Bộ Xây dựng cung cấp bổ sung thông tin, số liệu, xây dựng Báo cáo IO
Phúc đáp văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng vừa có Văn bản số 1300/BXD-QLN về cung cấp bổ sung một số thông tin, số liệu, xây dựng Báo cáo IO.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Về câu hỏi nêu tại vấn đề cốt lõi 1.2.b. cho biết Bộ Xây dựng đã ký các Bản ghi nhớ (MOU) về cơ chế phối hợp trong phòng, chống tội phạm nguồn của tội rửa tiền, tội tài trợ khủng bố với các cơ quan thực thi pháp luật chưa? Nếu đã ký, cung cấp thông tin cụ thể về các MOU này và cho biết tần suất các cuộc họp giữa Bộ Xây dựng với các cơ quan thực thi pháp luật đã ký MOU.
Trả lời: Bộ Xây dựng đến nay chưa ký các Bản ghi nhớ (MOU) về cơ chế phối hợp trong phòng, chống tội phạm nguồn của tội rửa tiền, tội tài trợ khủng bố với các cơ quan thực thi pháp luật.
Về câu hỏi nêu tại vấn đề cốt lõi 1.3.b. cho biết Bộ Xây dựng đã có các nghiên cứu mô hình (xu hướng, kỹ thuật) về các loại tội phạm nguồn của tội rửa tiền, tội tài trợ khủng bố chưa? Nếu có, cung cấp các nghiên cứu này.
Trả lời: Bộ Xây dựng chưa có các nghiên cứu mô hình (xu hướng, kỹ thuật) về các loại tội phạm nguồn của tội rửa tiền, tội tài trợ khủng bố.
Về câu hỏi nêu tại vấn đề cốt lõi 1.4.b. cho biết Bộ Xây dựng: (i) đã ban hành chính sách và kế hoạch về chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố chưa? Nếu đã ban hành, cung cấp các chính sách, kế hoạch này; (ii) có thay đổi về nguồn lực phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong thời gian gần đây không? Nếu có thay đổi, cung cấp thông tin cụ thể về sự thay đổi này; (iii) có thống kê, lưu trữ các số liệu liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố một cách hệ thống không? Nếu có, cung cấp phương thức thống kê/lưu trữ này.
Trả lời: (i) Bộ Xây dựng chưa ban hành chính sách và kế hoạch về chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố.
(ii) Bộ Xây dựng chưa thay đổi về nguồn lực phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong thời gian gần đây.
(iii) Bộ Xây dựng đã có một số thống kê, lưu trữ các số liệu liên quan đến công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố. Tuy nhiên không có số liệu thống kê về thanh tra.
Phương thức thống kê, lưu trữ: Lưu trữ văn bản của các đối tượng báo cáo, nhập số liệu từ các văn bản báo cáo vào file mềm, quản lý file, dữ liệu trên máy tính.
Về câu hỏi nêu tại vấn đề cốt lõi 1.5.b. cho biết Bộ Xây dựng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố đối với các tổ chức chịu sự quản lý chưa? Nếu rồi, cung cấp thông tin cụ thể về số liệu và kết quả thanh tra, kiểm tra này.
Trả lời: (i) Về công tác thanh tra phòng chống rửa tiền: Bộ Xây dựng chưa tiến hành thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố đối với các tổ chức chịu sự quản lý do Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng chưa có nội dung về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi rửa tiền.
(ii) Về công tác kiểm tra phòng chống rửa tiền: Năm 2016, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS) – Bộ Xây dựng đã có Công văn số 344/QLN-BĐS ngày 20/12/2016 yêu cầu một số sàn giao dịch BĐS trên địa bàn TP Hà Nội kiểm tra, báo cáo việc thực hiện các quy định về phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh BĐS.
Về câu hỏi nêu tại vấn đề cốt lõi 1.6.b cho biết Bộ Xây dựng có thông báo, phổ biến cho các tổ chức thuộc quyền quản lý của mình nắm và hiểu về danh sách cảnh báo của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) và những rủi ro về rửa tiền/tài trợ khủng bố tiềm ẩn của ngành không? Nếu có, cung cấp thông tin cụ thể về việc thông báo, phổ biến này.
Trả lời: Do chưa tiếp nhận được thông tin cụ thể về danh sách cảnh báo của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) nên Bộ Xây dựng chưa có thông báo, phổ biến cho các tổ chức của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) và những rủi ro về rửa tiền/tài trợ khủng bố tiềm ẩn của ngành.
Về câu hỏi nêu tại vấn đề cốt lõi 3.2.b:
Cho biết Bộ Xây dựng đã thực hiện đánh giá rủi ro về phòng, chống rửa tiền/tài trợ khủng bố trong lĩnh vực kinh doanh BĐS chưa? Nếu chưa, dự kiến thực hiện đánh giá rủi ro về phòng, chống rửa tiền/tài trợ khủng bố khi nào?
Cơ quan thanh tra của Bộ Xây dựng đã tiến hành thanh tra trên cơ sở rủi ro về phòng, chống rửa tiền/tài trợ khủng bố đối với các tổ chức kinh doanh dịch vụ quản lý BĐS, tổ chức môi giới BĐS, sàn giao dịch BĐS chưa? Nếu chưa, có dự kiến áp dụng thanh tra trên cơ sở rủi ro về phòng chống rửa tiền/tài trợ khủng bố đối với 3 loại hình tổ chức này trong thời gian sắp tới không?
Trả lời: Bộ Xây dựng đã tham gia, phối hợp với cơ quan Thanh tra GSNH, Cục phòng chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện đánh giá rủi ro về phòng, chống rửa tiền/tài trợ khủng bố trong lĩnh vực kinh doanh BĐS theo chương trình đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền,tài trợ khủng bố (NRA).
Cơ quan thanh tra của Bộ Xây dựng chưa tiến hành thanh tra về phòng, chống rửa tiền/tài trợ khủng bố đối với các tổ chức kinh doanh dịch vụ quản lý BĐS, tổ chức môi giới BĐS, sàn giao dịch BĐS. Hiện nay, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; Khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; Quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; Kinh doanh BĐS, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở chưa có nội dung xử phạt hành chính về hành vi rửa tiền đối với kinh doanh dịch vụ quản lý BĐS, môi giới BĐS và sàn giao dịch BĐS.
Bộ Xây dựng sẽ đề xuất cơ quan có thẩm quyền đưa nội dung xử phạt hành chính về phòng, chống rửa tiền đối với kinh doanh dịch vụ quản lý BĐS, môi giới BĐS và sàn giao dịch BĐS khi có chương trình xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP trong thời gian tới.
Căn cứ Luật Kinh doanh BĐS số 66/2014/QH13 ngày 25/11/2014, căn cứ Nghị định số 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh BĐS. Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 11/2015/TT-BXD ngày 30/12/2015 quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS; hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới BĐS, điều hành sàn giao dịch BĐS; Việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch BĐS trong đó có nội dung về phòng, chống rửa tiền trong kinh doanh BĐS.
Về các đối tượng thực hiện nghĩa vụ báo cáo thường xuyên: Sàn giao dịch BĐS CBRE Việt Nam;
Về các đối tượng thực hiện nghĩa vụ báo cáo không thường xuyên: Sở Xây dựng TP Hà Nội, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, Sở Xây dựng TP Hải Phòng, sàn giao dịch BĐS Cengroup, Đất Xanh…
Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS – Bộ Xây dựng đã có Công văn số 59/QLN-BĐS ngày 9/4/2019 yêu cầu 6 đơn vị cung cấp số liệu về thực tế triển khai đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, nhân viên; cung cấp quy định nội bộ; minh chứng cho phần trả lời các vấn đề cốt lõi 4.2 và 4.4; Số liệu đã thực hiện để chứng minh cho phần trả lời các vấn đề cốt lõi 4.6 và 4.7; Yêu cầu các đối tượng báo cáo trả lời Bảng câu hỏi khảo sát liên quan đến Mục tiêu trực tiếp số 4 và gửi phần trả lời của các đối tượng báo cáo này về Cục phòng chống rửa tiền – NHNN và Bộ Xây dựng để tổng hợp dự thảo Báo cáo IO của các đối tượng báo cáo về phòng chống rửa tiền/tài trợ khủng bố.
Tuy nhiên, đến nay Bộ Xây dựng mới nhận được báo cáo của sàn giao dịch BĐS CBRE Việt Nam, còn các đơn vị khác chưa có báo cáo. Vì vậy, số liệu, thông tin về các nội dung trên còn hạn chế, Bộ Xây dựng vẫn đang tiếp tục đôn đốc các đơn vị báo cáo nhằm hoàn thiện cơ sở dữ liệu theo yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng chống rửa tiền.