Bộ Xây dựng đề nghị siết quản lý các dự án bất động sản 'bán lúa non'
Bộ Xây dựng vừa có công văn đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện các quy định về giao dịch bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai.
Nhằm đảm bảo trình tự, thủ tục về giao dịch bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai, Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, rà soát và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, Nghị định 76/2015/NĐ-CP, đối với các giao dịch bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai trên địa bàn.
Cụ thể, Bộ Xây dựng đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát các điều kiện khi đưa bất động sản hình thành trong tương lai vào kinh doanh và việc thực hiện thủ tục thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.
Bên cạnh đó, các địa phương rà soát việc thực hiện bảo lãnh, thanh toán trong bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai; thực hiện nghiêm quy định về việc thế chấp, điều kiện thế chấp với dự án đầu tư xây dựng nhà ở và nhà ở hình thành trong tương lai và quy định về giấy tờ chứng minh điều kiện nhà ở tham gia giao dịch đối với trường hợp không bắt buộc phải có giấy chứng nhận.
Ngoài ra, để chuẩn bị cho việc tích hợp cung cấp dịch vụ “Thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua” trên Cổng dịch vụ công quốc gia đối với dịch vụ công thủ tục tục hành chính, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương tổng hợp báo cáo về kết quả và tình hình thực hiện các quy định theo thông báo trên về Bộ Xây dựng trước ngày 15/6/2021.
Trước đó, để ngăn chặn các hoạt động "vượt đèn đỏ" trong giao dịch bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai, ngày 10/5/2021, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam đã phát đi văn bản số 553/SXD-QLHT, yêu cầu chủ đầu tư các dự án bất động sản, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chỉ được đưa bất động sản vào kinh doanh khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, Nghị định và các quy định khác liên quan.
Một số địa phương như Sơn La, Bắc Giang, Hà Nam, Bắc Ninh,… cũng đã lần lượt ra văn bản cảnh báo, chấn chỉnh tình trạng “bán lúa non” dự án bất động sản khi chưa đủ điều kiện, thậm chí trái phép cũng như công bố danh sách dự án đủ điều kiện và chưa đủ điều kiện giao dịch theo quy định của pháp luật.
Theo nhận định của giới chuyên gia bất động sản, một phần nguyên nhân của tình trạng “bán lúa non” dự án bất động sản khi chưa đủ điều kiện là trước đây các thủ pháp lý triển khai dự án được cấp phép khá dễ dàng nhưng đến nay - khi tính pháp lý của dự án được “siết” lại và bắt buộc rà soát chặt chẽ hơn thì một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu. Dù vậy, một số chủ đầu tư vẫn cho bán.
Trong trường hợp trên, theo giới chuyên gia, rủi ro hoàn toàn bị đẩy về khách hàng. Vì thế, khi mua bất động sản hình thành trong tương lai, người mua cần cẩn trọng xem xét tính pháp lý của dự án trước khi ký kết các văn bản giao dịch./.