Bộ Xây dựng hướng dẫn kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy công trình

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi các địa phương hướng dẫn kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Lực lượng chức năng kiểm tra hệ thống PCCC. Ảnh minh họa: Huyền Trang/TTXVN

Lực lượng chức năng kiểm tra hệ thống PCCC. Ảnh minh họa: Huyền Trang/TTXVN

Đây cũng chính là phần việc Bộ Xây dựng được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao tại Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đồng thời thực hiện theo quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Công trình xây dựng thuộc đối tượng phải kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan chuyên môn về xây dựng là công trình đồng thời thuộc diện thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy theo danh mục tại Phụ lục III Nghị định số 105/2025/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Cùng đó là đối tượng thuộc diện phải kiểm tra nghiệm thu theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP (công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi tích cộng đồng theo Phụ lục III Nghị định số 144/2025/NĐ-CP - Quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng).

Nội dung kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan chuyên môn về xây dựng có khoảng cách phòng cháy, chữa cháy giữa các công trình, hạng mục công trình trong cùng lô đất; khoảng cách phòng cháy, chữa cháy từ công trình, hạng mục công trình đến công trình tiếp giáp hoặc ranh giới khu đất; khoảng cách phòng cháy, chữa cháy từ công trình, hạng mục công trình đến các đối tượng tiếp giáp theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Ngoài ra còn kiểm tra đường bộ, bãi đỗ, khoảng trống phục vụ hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; lối vào để tiếp cận và tổ chức các hoạt động chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và giải pháp thoát nạn như: lối thoát nạn, đường thoát nạn, thang bộ thoát nạn, thang máy chữa cháy, lối ra khẩn cấp, lối ra mái, gian lánh nạn…

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn kiểm tra bậc chịu lửa, giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan. Theo đó, bậc chịu lửa phải phù hợp với quy mô, công năng của công trình; có giải pháp phân chia khoang cháy; bố trí mặt bằng, công năng, hạng nguy hiểm cháy và cháy nổ, các bộ phận, cấu kiện, hệ thống kỹ thuật trong công trình để hạn chế, ngăn chặn sự hình thành, phát triển và lan truyền của đám cháy.

Về giải pháp chống khói, sẽ kiểm tra phương án thoát khói cho nhà, gian phòng; hệ thống cung cấp không khí bảo vệ chống khói cho giếng thang máy, buồng thang bộ, khoang đệm.

Trình tự kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy có thể được kết hợp với kiểm tra nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng theo trình tự được quy định. Kết quả kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy và kiểm tra nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng phải được thông báo bằng văn bản đến chủ đầu tư; phải đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy và pháp luật về xây dựng.

Trường hợp chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu công trình đồng thời nộp thời hồ sơ đề nghị kiểm tra nghiệm thu công trình xây dựng và hồ sơ đề nghị kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Công an thì cơ quan chuyên môn về xây dựng chủ trì, phối hợp với cơ quan Công an kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

Để đảm bảo hiệu quả hoạt động kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ và pháp luật có liên quan, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương quán triệt, chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện nhiệm vụ tại Quyết định số 235/QĐ-TTg Ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Cụ thể như rà soát, quy định, phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan chức năng trực thuộc trong việc thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và triển khai xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Đồng thời, đảm bảo số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, bố trí đủ cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị để thực hiện quản lý, giải quyết thủ tục hành chính được giao; đảm bảo ổn định, liên tục, thông suốt, hiệu quả khi thực hiện các nhiệm vụ được chuyển giao theo Kết luận 155-KL/TW ngày 17/5/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính.

Cùng đó, các địa phương tổ chức xây dựng, ban hành quy trình giải quyết thủ tục hành chính; tổ chức thực hiện nghiêm thủ tục kiểm tra nghiệm thu công trình xây dựng và phòng cháy, chữa cháy theo đúng thẩm quyền, phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục, thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Trong quá trình thực hiện cần tiếp tục hoàn thiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 66/NQCP ngày 26/3/2025 của Chính phủ về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026.

Trường hợp có phát sinh khó khăn, vướng mắc liên quan đến các nội dung hướng dẫn nêu trên, đề nghị phản ánh về Bộ Xây dựng để được hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời.

Thu Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/bo-xay-dung-huong-dan-kiem-tra-nghiem-thu-ve-phong-chay-va-chua-chay-cong-trinh-20250702111314223.htm