Bộ Xây dựng lên tiếng về phản ánh Ban quản lý chung cư lộng hành

Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội TP.HCM, trong đó có việc hướng dẫn của Bộ về quản lý chung cư hiện nay vẫn chưa giải quyết được bức xúc của người dân, dẫn đến một số Ban quản lý chung cư lộng hành,…

Người dân chung cư 4S Linh Đông (quận Thủ Đức, TP.HCM) căng băng rôn yêu cầu tổ chức Hội nghị nhà chung cư bất thường để bầu lại Ban quản trị. nh: VOV

Cụ thể, tại văn bản số 5686/BXD-QLN ký gửi ngày 26.11, Bộ Xây dựng cho biết đã nhận được phiếu chất vấn số 81/65-PCCV của Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM) tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14, nội dung chất vấn như sau:

“Việc hướng dẫn của Bộ về quản lý chung cư hiện nay vẫn chưa giải quyết được bức xúc của người dân, dẫn đến một số Ban quản lý chung cư lộng hành, có nơi còn chiếm đoạt tiền quản lý chung cư do người dân đóng góp, quyền lợi của người dân bị xâm phạm nghiêm trọng. Bộ trưởng có giải pháp gì giải quyết rốt ráo vấn đề này để tránh xung đột, xô xát xảy ra tạo bất ổn xã hội và giảm bức xúc của người dân, đảm bảo quyền được sống, được chính quyền bảo vệ an toàn và được quyền cư trú ổn định?”.

Trả lời chất vấn trên, Bộ Xây dựng cho biết liên quan đến quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư, pháp luật về nhà ở đã quy định Ban quản trị chỉ được chi tiêu khoảng kinh phí này khi có đầy đủ giấy tờ chứng minh như:

(1) văn bản đề nghị của Ban quản trị, (2) biên bản cuộc họp Ban quản trị, (3) kế hoạch bảo trì đã được Hội nghị nhà chung cư thông qua, (4) hợp đồng bảo trì. Việc thanh toán hợp đồng bảo trì được thực hiện trực tiếp giữa tổ chức tín dụng nơi quản lý tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì và bên thực hiện bảo trì thông qua hình thức chuyển khoản mà không thực hiện việc rút tiền mặt, trừ một số hợp đồng bảo trì có giá trị nhỏ trong hạn mức mà hội nghị nhà chung cư cho phép rút tiền mặt.

Cũng theo Bộ Xây dựng, ngày 25.11.2014 Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở số 65. Để hướng dẫn thực hiện các quy định của Luật Nhà ở, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99 ngày 20.10.2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.

Theo thẩm quyền, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã ban hành một số thông tư như: Thông tư số 02 ngày 15.2.2016 ban hành kèm theo quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư (Quy chế 02); Thông tư số 28 ngày 15.12.2016; Thông tư số 06 ngày 31.10.2019 sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Trong các văn bản pháp luật nêu trên, đã có quy định cụ thể các nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó có quy định về quyền và trách nhiệm của Ban quản trị nhà chung cư, đơn vị quản lý vận hành, chính quyền các cấp…

Theo quy định tại điểm I, khoản 1, Điều 41 của Quy chế 02 thì thành viên Ban quản trị nếu có hành vi vi phạm quy định của quy chế và quy định của pháp luật có liên quan thì tùy theo mức độ mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Cư dân The Era Town (Quận 7, TP.HCM) treo băng rôn yêu cầu chủ đầu tư trả phí bảo trì. Ảnh: Tiền Phong

Liên quan đến xử lý các hành vi vi phạm của Ban quản trị, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 139 ngày 27.11.2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản. Nghị định này đã quy định cụ thể các hành vi vi phạm cũng như chế tài xử phạt trong việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư như: phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với Ban quản trị nhà chung cư có 1 trong các hành vi:

(1) quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung không đúng quy định; (2) tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung; (3) tự quyết định mức giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư mà không thông qua Hội nghị nhà chung cư; (4) tự quyết định lựa chọn đơn vị để ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư mà không thông qua Hội nghị nhà chung cư; (5) không báo cáo Hội nghị nhà chung cư về việc thu, chi theo quy định; (6) thực hiện sai quy chế hoạt động hoặc quy chế thu chi tài chính đã được Hội nghị nhà chung cư thông qua.

“Như vậy, hiện nay pháp luật về nhà ở đã có các quy định tương đối đầy đủ và chặt chẽ đối với các hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư và các thành viên Ban quản trị để hạn chế tối đa các tình trạng như đại biểu nêu”, văn bản của Bộ Xây dựng cho biết.

Cũng theo Bộ Xây dựng, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình Bộ đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư. Trong thời gian tới, Bộ cũng sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến người dân việc thực hiện các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư và kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực này.

“Đồng thời sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư để phát hiện những tồn tại, bất cập và sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan, để phù hợp với tình hình thực tế cũng như công tác quản lý nhà nước”, văn bản của Bộ Xây dựng cho biết.

Huỳnh Hữu Tiến

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/bo-xay-dung-len-tieng-ve-phan-anh-ban-quan-ly-chung-cu-long-hanh-26512.html