Bộ Xây dựng vạch trần chiêu trò đặt cọc chờ tăng giá, của giới đầu cơ đất nền ít vốn

Theo Bộ Xây dựng: Các giao dịch đất nền trong thời gian qua hầu hết là đặt cọc, sau đó chuyển nhượng ngay khi giá đất tăng.

Bộ Xây dựng cho biết, trong quý I/2021, thị trường đất nền đã thăng hoa, với hàng loạt địa phương, trải dài khắp 3 miền, giá đất đã tăng nóng.

Cụ thể, tại Hà Nội, với thông tin quy hoạch nâng cấp từ huyện lên quận, đã khiến giá đất tại các vùng ven đô tăng chóng mặt, tương đương 30 - 50 triệu đồng/m2. Bình quân các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20 – 30%.

Theo Bộ Xây dựng: Các giao dịch đất nền trong thời gian qua hầu hết là đặt cọc, sau đó chuyển nhượng ngay khi giá đất tăng.

Còn tại TP.HCM, kể từ khi được thành lập, thành phố Thủ Đức liên tục phá kỷ lục giá đất. Ví dụ, trên đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng… giá đất mặt đường đã vượt 100 triệu đồng/m2, thậm chí có nơi còn ghi nhận 200 triệu đồng/m2.

Tương tự, tại phường Trường Thọ, giá đất trước đây chỉ khoảng 40 - 50 triệu đồng/m2 đã tăng lên tới 70 - 90 triệu đồng/m2, có nơi tăng 100 triệu đồng/m2.

Không chỉ tại các đô thị lớn, đất nền tại các địa phương tỉnh lẻ cũng “nhảy số” liên tục, như Hòa Bình tăng bình quân 46%; Bắc Ninh tăng 20%; Hưng Yên tăng 26%. Mới đây, ghi nhận thêm Thanh Hóa, Đồng Nai và các huyện ven TP.HCM với mức tăng trên 50%.

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, giao dịch chính thức được ghi nhận trên thực tế hầu như rất ít. Hình thức giao dịch tại các khu vực này chủ yếu là đặt cọc sau đó chuyển nhượng ngay khi giá tăng và xuất hiện nhà đầu tư khác có nhu cầu mua.

Cũng theo Bộ Xây dựng, tình trạng giá đất tăng nóng cục bộ tại một số địa phương chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi lắng xuống sau khi chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các chỉ đạo, thông báo công khai cũng như cảnh báo tới các nhà đầu tư, người dân về quy hoạch, kế hoạch thực hiện, tình hình triển khai các dự án trên địa bàn.

Điển hình, như thông tin quy hoạch sân bay Tecnich tại Bình Phước, quy hoạch hành chính huyện Thủy Nguyên tại Hải Phòng, điều chỉnh bảng giá đất tại Đà Nẵng;..

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong các chỉ số của thị trường chỉ có chỉ số về giá bất động sản có nhiều biến động, giá bất động sản nhìn chung đều có tăng và có hiện tượng sốt đất nền cục bộ tại một số khu vực của các địa phương.

Do đó, để kiểm soát sốt đất, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương khẩn trương thực hiện một số giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn hiện tượng sốt đất, kiểm soát, ổn định thị trường bất động sản trên địa bàn quản lý.

Trong đó, các địa phương hoàn thiện phê duyệt các đồ án quy hoạch, chú trọng tới các dự án phát triển đô thị, dự án nhà ở đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Đồng thời, các địa phương phải tổ chức công bố công khai thông tin về thị trường bất động sản, về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính,…tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi.

Bên cạnh đó, các địa phương cần có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, phân lô bán nền các khu vực chưa được phép đầu tư, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng.

Ngoài ra, các địa phương cần quản lý, kiểm soát việc mua đi, bán lại các giao dịch bất động sản trao tay nhiều lần thông qua biện pháp quản lý tốt các tổ chức, cá nhân môi giới bất động sản.

“Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh bất động sản không đúng quy định, nhất là các dự án; không đủ hồ sơ pháp lý, không đủ điều kiện kinh doanh”, đại diện Bộ Xây dựng nêu.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-xay-dung-vach-tran-chieu-tro-dat-coc-cho-tang-gia-cua-gioi-dau-co-dat-nen-it-von-post132039.html