Bỏ xét học bạ, lùi công bố điểm xét tuyển sớm: tạo công bằng trong tuyển sinh đại học

Trong phương án tuyển sinh năm 2025, nhiều trường đại học top đầu bỏ xét tuyển học bạ. Bộ GD&ĐT cũng đề xuất các cơ sở đào tạo đại học lùi thời gian công bố điểm xét tuyển sớm để giảm tác động không mong muốn.

Dù còn nhiều luồng ý kiến trái chiều nhưng đây được xem là cách thức tốt để giảm tiêu cực, tạo công bằng trong tuyển sinh đại học.

Bỏ xét học bạ - yêu cầu từ thực tiễn

Thời điểm này, số trường không sử dụng phương thức xét tuyển học bạ từ mùa tuyển sinh năm 2025 tiếp tục tăng. Ngoài các trường đại học top đầu như: Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Y Hà Nội..., còn có các trường đại học top giữa và các trường đại học địa phương, đơn cử là Trường Đại học Nha Trang. Theo đó, từ năm 2025, nhà trường không dùng điểm học bạ xét tuyển như mọi năm mà tiêu chí này chỉ là điều kiện sơ tuyển khi thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường.

Một buổi tư vấn tuyển sinh đại học tại Hà Nội. Ảnh: Trần Dũng

Một buổi tư vấn tuyển sinh đại học tại Hà Nội. Ảnh: Trần Dũng

Cụ thể, trường sẽ tổ chức tuyển sinh theo 2 bước: sơ tuyển (được xem là điều kiện cần) thông qua kết quả học tập ở cấp THPT (học bạ) các môn do trường quy định và xét tuyển (được xem là điều kiện đủ) bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 hoặc kết quả kỳ thi đánh giá năng lực. Với kết quả học tập THPT, mỗi ngành và chuyên ngành đào tạo của trường, thí sinh phải học một số môn nhất định ở cấp THPT theo quy định của trường. Kết quả học các môn này cần đạt yêu cầu tối thiểu do trường công bố hàng năm.

Năm 2021, Bộ GD&ĐT từng thực hiện việc đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp THPT với điểm học bạ; kết quả cho thấy, ở hầu hết các môn, trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT thấp hơn điểm học bạ. Điều này đặt ra lo ngại về tình trạng "làm đẹp" học bạ hoặc có những nơi/những trường hợp giáo viên cấp THPT "rộng tay" với học sinh.

Theo các chuyên gia, lý do khiến nhiều trường quyết định không xét tuyển học bạ bởi thực trạng điểm học bạ của các trường cấp 3 không đều nhau, có khoảng cách chênh lệch lớn dẫn đến việc không bảo đảm công bằng trong xét tuyển đầu vào. Hơn nữa, từ năm 2025, thí sinh học và thi theo chương trình mới nên mỗi em sẽ lựa chọn và có điểm học bạ ở những tổ hợp khác nhau.

Không đề cập đến vấn đề điểm ảo ở bậc THPT nhưng Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh Nguyễn Trung Nhân cũng cho rằng, các trường đại học không nên xét tuyển bằng học bạ vì điểm học bạ thường là điểm của 3 - 5 học kỳ, không có học kỳ II lớp 12; do đó, phương thức này không phản ánh đầy đủ khả năng của học sinh.

Vì sao nên lùi thời điểm công bố điểm xét tuyển?

Ưu điểm của phương thức xét tuyển sớm là giúp các trường đại học chủ động trong tuyển sinh; học sinh cũng được tạo điều kiện thuận lợi, có thêm nhiều cơ hội lựa chọn ngành học, trường học phù hợp; áp lực thi cử khi không chỉ có một lựa chọn duy nhất là dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, điều này gây ảnh hưởng đến quá trình dạy - học cũng như kết quả học tập, thi cử của học sinh. Nhiều em khi biết kết quả trúng tuyển sớm đã nảy sinh tâm lý chủ quan, coi nhẹ việc học ở giai đoạn cuối. Các em không nỗ lực để có kết quả thi tốt nghiệp THPT tốt nhất, mà chỉ cần đủ điểm đỗ tốt nghiệp.

Từ thực tế trên, Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT Huỳnh Văn Chương đề xuất không cho các trường đại học công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm trước ngày 31/5 - thời điểm kết thúc năm học. Dù vẫn có những ý kiến trái chiều nhưng đa số chuyên gia, cán bộ quản lý đến từ các trường đại học và trường phổ thông bày tỏ đồng tình với đề xuất trên.

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Phát triển kỹ năng và Hướng nghiệp, Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh cho rằng, ngoài tác động tiêu cực đến chất lượng dạy và học bậc THPT thì với các trường đại học, xét tuyển sớm cũng làm tăng lượng thí sinh ảo, các trường khó dự báo được tỷ lệ nhập học, gây nhiễu trong xét tuyển. Cụ thể, phương thức xét tuyển sớm của các trường đại học luôn thu hút được số lượng lớn học sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, các trường đại học không thể chắc chắn được thí sinh có chọn trường mình hay không, vì một thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào nhiều trường khác nhau. “Chỉ khi thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên cổng thông tin chung của Bộ GD&ĐT, các trường mới biết chắc là thí sinh đó chọn xét tuyển vào trường mình. Tỷ lệ thí sinh ảo của phương thức xét tuyển sớm hàng năm rất cao, ở mức 200 -500%, tùy trường” - thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên viện dẫn.

Theo đó, việc các trường đại học công bố kết quả xét tuyển sớm sau khi thí sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục không gây ảnh hưởng gì đến kế hoạch tuyển sinh của các trường. Từ năm 2022, Bộ đề nghị các trường không được yêu cầu thí sinh nhập học sớm hơn lịch chung của Bộ GD&ĐT, mà chỉ được công bố danh sách đủ điều kiện trúng tuyển. Như vậy, dù thí sinh có kết quả xét tuyển sớm vẫn phải chờ đến thời điểm quy định của Bộ GD&ĐT.

Cô Nguyễn Thị Hòa, giáo viên cấp THPT tại Hà Nội chia sẻ: có năm, học sinh lớp cô làm chủ nhiệm có hơn nửa lớp đủ điều kiện đỗ đại học thông qua xét tuyển sớm bằng các phương thức xét điểm học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, giải thưởng học sinh giỏi, điểm IELTS… Lúc này, thi tốt nghiệp chỉ còn là điều kiện nên các em không chú tâm ôn luyện. Điều này dẫn đến tinh thần học tập cả lớp ở giai đoạn nước rút đi xuống rõ rệt, giáo viên cũng mất động lực trong khi vẫn còn nhóm nhỏ học sinh muốn tập trung ôn thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học.

Liên quan đến đề xuất lùi công bố điểm trúng tuyển sớm, TS Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng bày tỏ đồng tình và cho rằng, các trường chỉ bớt chút lợi thế trong việc thu hút thí sinh sớm; trong khi đó, tác động tích cực mà quy định này mang đến rất lớn, tạo sự công bằng cho thí sinh và giữa các trường đại học.

Tại hội nghị về giáo dục đại học diễn ra tháng 8/2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, xét tuyển sớm tác động không tốt đến giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng nên mặc dù cho phép các trường tự chủ trong tuyển sinh nhưng từ kỳ tuyển sinh năm sau, Bộ GD&ĐT sẽ có điều chỉnh để bảo đảm tính ổn định, lâu dài và công bằng trong công tác tuyển sinh đại học.

Phương thức xét tuyển sớm chẳng những ảnh hưởng không tốt đến chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT mà còn tác động tiêu cực đến chất lượng dạy và học ở các trường THPT, bởi khi học sinh đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm, các em sẽ không còn chú tâm vào việc học nữa. Cùng với đó, phương thức xét tuyển học bạ cũng gây nên hiện tượng điểm ảo khá lớn trong các nhà trường. Chúng tôi mong, Bộ GD&ĐT cần định hướng, yêu cầu các trường đại học có phương thức tuyển sinh phù hợp để vừa bảo đảm chất lượng tuyển sinh, vừa bảo đảm chất lượng dạy và học ở bậc THPT.

Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) Nguyễn Quốc Bình

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bo-xet-hoc-ba-lui-cong-bo-diem-xet-tuyen-som-tao-cong-bang-trong-tuyen-sinh-dai-hoc.html