Bỏ xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân là hết sức cần thiết

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân. Chỉ thực hiện xét nghiệm trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3. Theo các chuyên gia y tế, đây là điều cần thiết, không nên gây khó dễ và tốn kém cho người dân.

Chỉ xét nghiệm đối với nhóm nguy cơ cao
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, việc xét nghiệm chỉ thực hiện với các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở…; xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ do cơ quan y tế thực hiện tại các khu vực có nguy cơ cao.

 Bộ Y tế yêu cầu các địa phương không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân.

Tại cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên cho người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao.Không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3. Cũng theo qui định của Bộ Y tế, với người đã tiêm đủ liều vaccine và khỏi bệnh Covid-19, các tỉnh, thành phố chỉ xét nghiệm khi: Có yêu cầu điều tra dịch tễ; Trường hợp cách ly, theo dõi y tế; Người đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hay cách ly y tế vùng (phong tỏa).Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, nhiều tỉnh, TP đã thay đổi biện pháp phòng chống dịch.Tại TP Hà Nội, các vị trí chốt kiểm soát dịch trên toàn địa bàn thành phố, hiện lực lượng CSGT chỉ duy trì đảm bảo trật tự an toàn giao thông, xử lý các tình huống phát sinh, không tiến hành kiểm tra người và phương tiện lưu thông qua chốt trực. Do đó, người và phương tiện có thể di chuyển dễ dàng qua các chốt để ra, vào thành phố.Tại tỉnh Vĩnh Phúc, cũng không thực hiện kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 , giấy đi đường đối với trường hợp đến từ vùng xanh, vàng, cam, chỉ kiểm soát người từ vùng đỏ. Tương tự, tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định đều không yêu cầu xét nghiệm Covid-19, nhưng tùy trường hợp người đến từ vùng xanh, vàng, cam, đỏ thì mỗi địa phương vẫn áp dụng theo qui định riêng việc có phải cách ly hay không. Còn tại Yên Bái, người dân đến hoặc về tỉnh Yên Bái cũng không phải xuất trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và không phải thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 tại các chốt kiểm dịch y tế. Tuy nhiên đối với các trường hợp đến từ các địa phương có dịch nguy cơ rất cao, nguy cơ cao hoặc vùng phong tỏa, Yên Bái vẫn yêu cầu người dân phải xuất trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2, hoặc xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 chưa quá 72 giờ.Riêng đối với những trường hợp về/đến tỉnh từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, người dân phải thực hiện cách ly tập trung 7 ngày, sau đó tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày và tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.Không được “mỗi nơi một kiểu”Đề cập đến qui định bỏ thực hiện xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân, các chuyên gia y tế đều đồng tình. Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà - nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, không cần xét nghiệm tràn lan, hàng loạt, kể cả trường hợp chưa tiêm vaccine và trẻ em dưới 18 tuổi khi đi lại giữa các địa phương. Việc họ đến từ vùng có nguy cơ cao hay không mới là vấn đề cần quan tâm để quyết định yêu cầu xét nghiệm.

 Hà Nội không tiến hành kiểm tra người và phương tiện lưu thông qua chốt trực

Hà Nội không tiến hành kiểm tra người và phương tiện lưu thông qua chốt trực

Còn theo TS Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển cộng đồng, trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay, người dân không nên sợ hãi, hoang mang mà phải thích ứng với dịch. Ông cũng nhận định việc yêu cầu xét nghiệm tràn lan như vừa qua gây tốn kém, lãng phí xã hội rất lớn. Chỉ nên xét nghiệm đối với trường hợp nguy cơ cao hoặc có yếu tố dịch tễ để chẩn đoán. Ngoài ra, một số địa phương vẫn áp đặt và thực hiện qui định riêng nhằm đạt được “zero Covid-19” là không phù hợp. Thực tế, sau khi Chính phủ đã ban hành nghị quyết 128, trong đó hướng dẫn rõ về tiêu chí để xác định các cấp độ dịch, yêu cầu các địa phương phải thống nhất thực hiện, không được làm trái quy định của trung ương. Nhưng trên thực tế, mức độ "phản ứng" của các tỉnh, thành cũng rất khác nhau, đặc biệt là sự chậm trễ áp dụng nghị quyết này gây khó khăn cho người dân. Về vấn đề này, tại kết luận cuộc họp ngày 17/10 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 128 phải nhất quán, thông suốt từ Trung ương xuống địa phương; cấp dưới phải phục tùng cấp trên; địa phương tuyệt đối không được ban hành các quy định trái với chỉ đạo của cấp trên; nếu thực hiện cao hơn, sớm hơn, phải báo cáo cấp trên.Thủ tướng lưu ý tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn, các cơ quan, địa phương để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định tạm thời của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Tinh thần là thận trọng, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn; lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương tới các địa phương trên toàn quốc, Trung ương ban hành tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình nhất quán, các bộ, các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo, phù hợp tình hình; những gì chưa phù hợp phải bổ sung, điều chỉnh ngay.

Trà Long

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bo-xet-nghiem-doi-voi-viec-di-lai-cua-nguoi-dan-la-het-suc-can-thiet-438234.html