Bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ nên hay không nên?
Theo đề án tuyển sinh năm 2024, nhiều trường đại học dự kiến bỏ phương thức xét tuyển bằng kết quả học tập trung học phổ thông.
Theo lý giải của nhiều trường đại học, việc bãi bỏ phương thức trên nhằm đảm bảo tuyển sinh công bằng hơn và cũng là cách để giải quyết tình trạng “làm đẹp học bạ”. Thay vào đó, các cơ sở giáo dục đại học này sẽ chuyển sang phương pháp đánh giá đa chiều.
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, nhiều trường đại học và người dân cho rằng, xét tuyển học bạ sẽ giúp giảm tải áp lực thi cử, không cần chờ kết quả xét tuyển điểm THPT, tăng cơ hội vào ngành học và trường đại học yêu thích.
Có thể khẳng định, ở góc độ nào đó, việc xét tuyển bằng phương thức học bạ hay bãi bỏ phương thức này đều có những ưu điểm và nhược điểm. Nhưng, rõ ràng đây sẽ là ưu điểm cho nhiều học sinh lựa chọn những trường không có số lượng thí sinh đăng ký vào quá đông, mà chúng ta vẫn hay gọi đó là các trường “hạng 2, hạng 3” và không chịu gánh nặng tâm lý, giảm chi phí cho nhà trường và xã hội trong tổ chức thi tuyển.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên, qua thực tế triển khai thực hiện, bên cạnh các “nguyện vọng ảo” cao thì sự thiếu công bằng cũng đã bộc lộ rõ. Kể cả nhiều trường đưa ra chỉ tiêu điểm trung bình một số tổ hợp môn đạt từ 9,2/10 trở lên cho năm học lớp 11 và học kỳ 1 của lớp 12, thì khi vào học đại học các em học sinh này đã phản ánh chất lượng không như kết quả trên học bạ.
Một giáo viên đang giảng dạy tại Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội) là giáo viên cũ của tôi đã từng chia sẻ, đây là phương thức xét tuyển “không công bằng” và không phân loại được học sinh chính xác.
Đơn cử, những học sinh thuộc khối A (các môn tự nhiên: Toán-Lý-Hóa) khi thi giữa kỳ, kết thúc học kỳ bao giờ đề thi cũng khó hơn so với học sinh thuộc khối C (Văn-Sử-Địa)… Do vậy, các em học khối C điểm toán có thể đạt 8-9 thậm chí 10 điểm nhưng thực chất năng lực và kiến thức chưa chắc đã bằng em học ở khối A đạt điểm 7-8. Đó là chưa kể đến nhiều trường chạy theo thành tích, nhiều giáo viên “cả nể” có thể chấm điểm “nới tay” cho các em học sinh để tạo điều kiện cho các em "bảng điểm đẹp", thuận lợi vào trường đại học, ngành học mà mình mong muốn.
Do đó, việc bãi bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ ở một số trường, ngành học đòi hỏi chất lượng đầu vào cao là hoàn toàn chính xác và phù hợp.
Tôi được biết, có nhiều trường hợp học sinh được xét tuyển theo phương thức học bạ đỗ Đại học Bách Khoa, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội nhưng chỉ sau 1 năm học, có em không thể theo được chương trình mà nguyên nhân chính là do kiến thức và năng lực yếu, cuối cùng đã phải thi lại vào trường khác, ngành khác.
Sự không công bằng về đánh giá chất lượng học sinh qua bảng điểm học bạ còn đến từ chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất và đánh giá của các cơ sở giáo dục khác nhau, có thể học sinh giỏi trường này nhưng so với trường kia là chưa nổi trội.
Trong khi, hiện nay tỷ lệ học sinh khá, giỏi theo học bạ chiếm phần trăm khá cao. Chính vì thế, học bạ không còn là thước đo chuẩn xác đánh giá năng lực học sinh. Do đó, xét tuyển đại học theo học bạ sẽ có khả năng thiếu chính xác, thiếu khách quan và công bằng về học lực, đặc biệt với các ngành “hot” hiện nay như: Công nghệ thông tin, Y dược, Kinh tế…
Đó còn chưa kể đến xét tuyển bằng học bạ, các trường gặp khó trong sàng lọc bởi tỷ lệ thí sinh ảo cao, đặc biệt những sinh viên đặt nguyện vọng cao, có nhiều em đặt 4-5 nguyện vọng. Nhóm thí sinh xét tuyển học bạ gần như đều đáp ứng các điều kiện khác dẫn đến tỷ lệ thí sinh ảo nhiều khiến nhà trường mất nhiều thời gian để xét duyệt hồ sơ online.
Tuy nhiên, sau khi xét thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển, nhà trường đợi thí sinh đặt nguyện vọng trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì thí sinh lại không đặt hoặc đặt thứ tự nguyện vọng thấp dẫn đến tỷ lệ ảo tăng, rất khó để tính toán chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển khác.
Có thể khẳng định, về mặt lý thuyết, xét tuyển bằng học bạ là hình thức tiên tiến nếu nó phản ánh đúng năng lực học sinh nhưng kèm theo đó chất lượng đào tạo, kiểm tra, đánh giá phải đồng đều ở tất cả các địa phương và phải đảm bảo sự công bằng, minh bạch; lúc đó xét tuyển bằng học bạ mới đủ độ tin cậy.
Tuy nhiên, theo tôi ở nước ta hiện nay, hai điều này đều khó đảm bảo khi xét trên phạm vi rộng. Nhiều giáo viên THPT cũng thừa nhận, thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, sự nghi ngại về việc điểm số đánh giá chưa đúng với lực học của học sinh là có cơ sở.
Bên cạnh đó, theo kết quả đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ của học sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành những năm gần đây có độ “vênh” tại nhiều địa phương. Điều này cho thấy, chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông hiện nay chưa đồng đều do mỗi địa phương, mỗi trường sử dụng các “thước đo” khác nhau. Và nếu nhìn trên bình diện chung, việc các trường chỉ sử dụng điểm học bạ THPT để tuyển sinh vào đại học là chưa đủ độ tin cậy đối với xã hội.