Bỏ xét tuyển sớm không ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh
Năm 2023, có 214/322 trường đại học thực hiện xét tuyển sớm, tuy nhiên, mùa tuyển sinh năm nay sẽ không còn tình trạng chưa tốt nghiệp THPT nhưng đã đỗ đại học.
Hướng tới đảm bảo công bằng cho các thí sinh và thuận lợi trong quá trình đại học, dự kiến quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 sẽ bỏ xét tuyển sớm, thay vì giới hạn chỉ tiêu 20% như dự thảo trước đó".
Có điều chỉnh này là bởi theo bà PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT mục tiêu ban đầu của xét tuyển sớm là dành cho học sinh xuất sắc. Nhưng nhiều năm qua, việc này chỉ có lợi cho những em yếu. Học sinh có điểm học bạ trung bình, yếu cũng có thể nộp hồ sơ và trúng tuyển sớm nhiều trường.
Qua nhiều năm thực hiện, bà Thủy đánh giá khi xét tuyển sớm còn gây bất lợi, thiếu công bằng cho những em không có điều kiện tham gia những kỳ thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ, đánh giá năng lực. Cùng với đó, là gây tốn kém nguồn lực của các trường cho công tác tư vấn. Thí sinh tốn chi phí vì "rải" hồ sơ hết trường này đến trường kia.
"Chúng ta sẽ bỏ khái niệm xét tuyển sớm để đỡ gây nhầm lẫn. Nhiều chuyên gia giáo dục đều đồng tình với việc này", bà Thủy chia sẻ.
Trong vài năm ở lại đây, các cơ sở giáo dục thực hiện nhiều phương thức xét tuyển khác nhau bên cạnh phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi THPT, tổ chức xét tuyển và công bố điểm chuẩn, kết quả xét tuyển từ sớm, trước khi kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra nên được gọi là đợt xét tuyển sớm.

Ông Trần Mạnh Hà - Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng.
Trước sự thay đổi này, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Mạnh Hà - Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng cho biết: "Trên thực tế, cơ sở giáo dục đại học hoàn toàn có thể tiếp tục giữ ổn định các phương thức xét tuyển như trước đây.
Điều khác biệt ở đây, thay vì công bố kết quả trúng tuyển sớm, các trường sẽ tải và sử dụng dữ liệu trên hệ thống xét tuyển chung, qua quá trình lọc ảo và công bố kết quả trúng tuyển vào cùng một thời điểm với các trường trong cả nước, đúng theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT".
Nếu như vậy, việc bỏ xét tuyển sớm nhìn chung không ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh của nhà trường. Ngược lại điều này còn tạo thuận lợi cho các trường, bởi tiết kiệm nguồn lực, đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học trong tuyển sinh.
Về phía học sinh, khi thời gian xét tuyển là như nhau, các em sẽ tập trung vào việc học tập, đảm bảo kiến thức, tránh tâm lý chủ quan, xao nhãng vì trúng tuyển sớm. Vì vậy, ông Hà cho rằng tại thời điểm hiện tại thí sinh cần chú ý tập trung học tập, nâng cao thành tích với các phương thức mà các em đã định hướng, ôn tập trước đó để xét tuyển vào các trường đại học.
TS.Trịnh Văn Toàn - Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường Đại học Điện lực cũng cho biết kế hoạch tuyển sinh không bị ảnh hưởng nhiều. Các phương thức khác sẽ xét tuyển cùng đợt với điểm thi tốt nghiệp THPT.

Bỏ xét tuyển sớm đảm bảo công bằng cho các thí sinh (Ảnh: Hữu Thắng).
Khẳng định bỏ xét tuyển sớm là cần thiết, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết từ năm 2017, bắt đầu có một số cơ sở đào tạo xét tuyển sớm bằng học bạ và một số thành tích khác của học sinh.
"Khi một cơ sở đào tạo xét tuyển sớm thì giống như cuộc chạy đua. Một cơ sở làm thì các cơ sở đào tạo khác không thể đứng yên được mà cũng phải lao vào cuộc canh tranh đó.
Tất cả cùng vất vả, từ cơ sở đào tạo phải chuẩn bị từ đầu năm cho công tác tuyển sinh, thu hồ sơ, xét tuyển và các em học sinh đang học lớp 12 cũng đôn đáo chạy các chứng chỉ, làm hồ sơ, rồi các thầy cô giáo phải xác nhận các thủ tục giấy tờ… để gom tuyển sinh", ông Sơn cho hay.
Trung bình cứ có 8 nguyện vọng trúng tuyển sớm thì chỉ có 1 nguyện vọng nhập học hay có 2 thí sinh trúng tuyển sớm thì sau có 1 em nhập học.
Năm 2023, xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm cao nhất 49,45%. Tiếp theo là phương thức xét kết quả học tập bậc THPT 30,24%. Thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy 2,57%. Các phương thức khác (bao gồm 12 phương thức) 14,10%.
Đối với vấn đề xét tuyển sớm, năm 2023, số cơ sở đào tạo xét tuyển sớm 214/322. Số thí sinh trúng tuyển tuyển sớm 375.517. Số nguyện vọng trúng tuyển sớm 1.268.232. Số thí sinh có trúng tuyển sớm sau lọc ảo 301.849.