Bò xóa nghèo 'gây họa' cho người nghèo

Hồi cuối tháng 8, bệnh lở mồm long móng (LMLM) đã lây lan ra 5 xã, thị trấn của 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông của tỉnh Quảng Trị, khiến 259 con trâu, bò mắc bệnh. Dịch bệnh bùng phát làm bà con nông dân nghèo càng lo lắng cho đàn gia súc là 'cơ nghiệp'.

Người chăn nuôi tại Quảng Trị đang nỗ lực chăm sóc và điều trị đàn bò mắc dịch lở mồm long móng

Người chăn nuôi tại Quảng Trị đang nỗ lực chăm sóc và điều trị đàn bò mắc dịch lở mồm long móng

Thế nhưng, điều càng khiến người chăn nuôi như ngồi trên đống lửa là các địa phương xuất hiện ổ dịch LMLM hầu hết do phát sinh từ đàn bò đưa từ nơi khác về - được cấp theo các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình xóa nghèo), chứ không phải trâu, bò đang chăn nuôi tại địa phương. Oái oăm, đây không phải là lần đầu, mà cuối năm 2023, tại huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, từng có 38/140 con bò giống được cấp theo Chương trình xóa nghèo cũng bị nhiễm bệnh LMLM ngay khi người dân nhận bò về nhà nuôi được vài ngày.

Việc triển khai các dự án hỗ trợ giảm nghèo về con giống theo Chương trình xóa nghèo, địa phương nào cũng báo cáo đã bám sát các văn bản hướng dẫn và các quy định cụ thể của trung ương lẫn địa phương. Song thực tế, bò giống từ các dự án cấp cho người chăn nuôi vẫn còn một số con giống gầy, già, yếu, mang mầm dịch bệnh… Điển hình là bò giống cấp cho hộ nghèo về nuôi chỉ 1-3 ngày sau thì “bỗng dưng” bị bệnh LMLM, rồi lây sang đàn bò tại địa phương (chủ yếu chăn thả rông) khiến nhiều người ngao ngán cho rằng “bò xóa nghèo gây họa cho người nghèo”.

Một cán bộ thú y tại TP Huế cho rằng, đáng lẽ ra, phải thực hiện theo quy định được phê duyệt trong hồ sơ thầu là cách ly tập trung 7-10 ngày số bò từ địa bàn khác đưa vào để kiểm tra, theo dõi rồi chủ đầu tư mới nghiệm thu từ các doanh nghiệp trúng thầu, sau khi đạt mới bàn giao về cho hộ nghèo chăn nuôi. Song thực tế, bò giống mà các doanh nghiệp trúng thầu dự án cung cấp đều có những bộ hồ sơ thú y “đẹp” theo quy định hiện hành nên nhanh chóng được chở trực tiếp về các xã, rồi giao cho các hộ dân chứ không hề cách ly. Người dân hưởng lợi từ Chương trình xóa nghèo thì ít kiến thức về thú y nên chỉ vui vẻ nhận và dắt con giống về nuôi nhốt chung, hoặc chăn thả rông với đàn gia súc tại địa phương.

Khi xuất hiện dịch bệnh thì ngành thú y địa phương lại cho rằng, con giống dù được tiêm đầy đủ vaccine vẫn có thể phát bệnh, đặc biệt là khi thay đổi môi trường, khí hậu, điều kiện nuôi nhốt! Còn bò gầy gò, ốm yếu thì có thể do tập quán chăn thả tự nhiên, cùng ý thức của đồng bào chưa cao, vẫn còn trông chờ, ỷ lại dẫn đến việc chăm sóc chưa tốt… Cuối cùng là hòa cả làng (!?).

Mục tiêu quan trọng của Chương trình xóa nghèo là góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo nhanh, bền vững… Tuy nhiên, ý nghĩa nhân văn và thực tế của chương trình này sẽ giảm đi và quá trình xóa nghèo sẽ trở nên khó khăn hơn bởi người dân sẽ phải đội thêm chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng những con giống hỗ trợ không đạt yêu cầu.

VĂN THẮNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bo-xoa-ngheo-gay-hoa-cho-nguoi-ngheo-post757041.html