Bộ Y tế báo cáo Quốc hội về mua thiết bị chống dịch và giá xét nghiệmTin khácBồi dưỡng nguồn nhân lực: Chìa khóa để chuyển đổi số thành côngĐánh thức tiềm năng du lịch xứ Lạng từ dự án trọng điểm Quần thể khu du lịch sinh thái cáp treo Mẫu Sơn
Trong báo cáo gửi Quốc hội tại kỳ họp lần này liên quan đến hoạt động chất vấn tại kỳ họp trước, Bộ trưởng Y tế tâp trung vào các vấn đề liên quan đến mua sắm thiết bị chống dịch và giá xét nghiệm.
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV vừa chính thức khai mạc sáng nay tại Hà Nội và sẽ diễn ra trong 19 ngày làm việc, từ 23/5 đến ngày 16/6/2022.
Đáng chú ý, tại kỳ họp lần này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 41 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV về lĩnh vực y tế.
Từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế
Theo báo cáo, ngay sau kỳ họp thứ 2, lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp, các cam kết đã đề ra tại phiên chất vấn về lĩnh vực y tế. Đến nay, Bộ Y tế cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong Nghị quyết số 41.
Bộ Y tế đã tập trung thực hiện các giải pháp đã đề ra, từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Cụ thể, bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian 2 năm 2022-2023; hoàn thành tỷ lệ tiêm chủng đủ liều vaccine bao phủ dân số trên 18 tuổi đạt 100% và phấn đấu hoàn thành tiêm mũi thứ ba; đã triển khai tiêm vaccine cho nhóm tuổi từ 12-17 với tỷ lệ tiêm mũi 1 là 99,6% và mũi 2 là 94,7%; hoàn thiện Hồ sơ các dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, trình Quốc hội trong năm 2022.
Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ xem xét, đưa một số loại trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit xét nghiệm COVID-19) vào danh mục quản lý giá, bình ổn giá; đề xuất Bộ Tài chính là đơn vị ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm COVID-19 đối với cơ sở y tế tư nhân.
Xử lý nghiêm tham nhũng, lợi ích nhóm về y tế
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, để tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá, đấu thầu và mua sắm trong lĩnh vực y tế, Bộ Y tế đã có các văn bản gửi sở y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị sản xuất, nhập khẩu và cung ứng trang thiết bị y tế nghiêm cấm việc tăng giá tùy tiện đầu cơ, tích trữ và thực hiện đúng quy định về quản lý giá thuốc, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh thuốc điều trị COVID-19.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị nghiêm túc việc thực hiện việc kê khai, cập nhật công khai giá trang thiết bị y tế theo quy định tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP, ngày 08/11/2021 quy định quản lý trang thiết bị y tế trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược; chịu trách nhiệm về giá công bố và tính chính xác và đầy đủ các thông tin liên quan đến hàng hóa theo quy định…
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã có các văn bản gửi lãnh đạo tỉnh ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; sở y tế các tỉnh, thành phố về việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19; tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh, mua sắm các loại test kit xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR.
Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện đúng quy định về đấu thầu.
Bộ Y tế đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, việc tiếp nhận, bảo quản, sử dụng vaccine và tổ chức buổi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các sản phẩm sinh phẩm, trang thiết bị xét nghiệm, phòng hộ, khẩu trang y tế sử dụng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và đầu cơ, tích trữ, nâng giá bất hợp lý đối với mặt hàng sinh phẩm, trang thiết bị xét nghiệm, phòng hộ, khẩu trang y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Y tế cũng đẩy mạnh kiểm tra các sản phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 trôi nổi trên thị trường và hiện tượng lợi dụng dịch để nâng giá, đội giá, đảm bảo chất lượng và giá cả thị trường.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã chỉ đạo sở y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ khẩn trương, nghiêm túc triển khai đúng các văn bản của Chính phủ; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong mua sắm trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch COVID-19.
Tăng cường quản lý về giá, đấu thầu
Về việc ban hành quy định mức giá trần xét nghiệm COVID-19 đối với cơ sở y tế tư nhân, Bộ Y tế cho biết tại điểm 5 Điều 88 Luật Khám bệnh chữa bệnh quy định “cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định và phải niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.” Tuy nhiên, để kiểm soát giá xét nghiệm COVID-19 đối với các cơ sở y tế tư nhân, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, giá khám bệnh, chữa bệnh tư nhân không thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế, vì vậy, cơ quan này đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm COVID-19 đối với cơ sở y tế tư nhân.
Việc xem xét, đưa một số loại trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit xét nghiệm COVID-19) vào danh mục quản lý giá, bình ổn giá: Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách tronglĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó giao Chính phủ “quy định cụ thể mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 áp dụng biện pháp bình ổn giá.”
Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát để báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị y tế tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá, đấu thầu và mua sắm trong lĩnh vực y tế; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định pháp luật trong lĩnh vực y tế./.