Bộ Y tế: Các địa phương cần sẵn sàng cho tình huống có dịch COVID-19

Đến nay, Việt Nam đã 22 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, tuy nhiên trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại khu vực Đông Nam Á, Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đặc biệt là lực lượng biên phòng bảo vệ vững chắc đường biên giới, ngăn chặn nhập cảnh trái phép và thực hiện cách ly đúng quy định. Đây là những vấn đề then chốt trong kiểm soát dịch giai đoạn tới đây.

Tại hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 với 63 tỉnh, thành diễn ra tại Hà Nội sáng 16/4, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết thời gian qua, thế giới triển khai mạnh mẽ tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhưng tình hình dịch vẫn là thách thức lớn với toàn cầu và Việt Nam.

Các nước trong khu vực hiện đang đưa ra cảnh báo về tình trạng khủng hoảng kinh tế do COVID-19. Nhiều nước trên thế giới quay trở lại phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội. Trước thách thức lớn này, việc kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trong năm 2021 hết sức khó khăn với tất cả các nước.

Tại Việt Nam đã có 22 ngày không có ca nhiễm tại cộng đồng và cuộc sống đã gần như trở lại bình thường. Đây là những nỗ lực rất lớn của bộ, ban, ngành và các địa phương trong triển khai biện pháp phòng, chống dịch.

Thành công chiến thắng đợt dịch thứ 3 tại Hải Dương, theo Bộ Y tế, bài học lớn về chính trị là sự lãnh đạo của Đảng rất sát sao, mạnh mẽ, huy động toàn bộ hệ thống chính trị, huy động các bộ, ban, ngành, người dân, triển khai phương châm bốn tại chỗ, chống dịch như chống giặc...

Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng đúc rút một số kinh nghiệm mang tính chuyên môn, kỹ thuật để các địa phương quan tâm, khi có dịch xảy ra trên địa bàn triển khai không lúng túng.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 với 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc sáng 16/4

Quang cảnh hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 với 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc sáng 16/4

Bài học đầu tiên từ Hải Dương, đó là kinh nghiệm cách ly và cách ly tập trung. Thực tế thời gian qua, đây là khâu các địa phương thường lúng túng nhất mỗi khi có dịch bệnh, đặc biệt khi phải thực hiện trên quy mô lớn, với hàng nghìn người trong thời gian ngắn.

Khẳng định chỉ có cách ly tập trung mới có thể giải quyết vấn đề ngăn chặn nguồn bệnh trong cộng đồng, Bộ Y tế nhấn mạnh bài học đắt giá là cách ly các trường hợp F1. Thực tế tại Đà Nẵng, Hải Dương đều phải triển khai quyết liệt việc này. Nếu chỉ cách ly tại cộng đồng, việc ngăn chặn nguy cơ lây lan sẽ khó khăn.

Kinh nghiệm thứ 2 là phải phong tỏa, khoanh vùng. Trong đợt dịch vừa rồi, chúng ta đã khoanh vùng, xét nghiệm trên diện rộng nhưng phong tỏa trên diện hẹp. Trong tình huống cụ thể, ta không ngần ngại phong tỏa diện rộng, thí dụ như quyết định phong tỏa ngay Chí Linh trong đợt dịch tại Hải Dương đã ngăn chặn mầm bệnh.

Khi thực hiện khoanh vùng, xét nghiệm trên diện rộng tại địa phương có dịch, phong tỏa diện hẹp với địa phương khác, đã làm giảm tác động tới các địa phương khác, giữ được đà tăng trưởng kinh tế trong đợt 1.

Kinh nghiệm thứ 3, về công tác truy vết. Ngay từ đầu Việt Nam đã tập trung cho công tác truy vết tại các địa phương với việc thành lập các tổ COVID-19 cộng đồng. Nhưng khi có nhiều trường hợp hơn, việc truy vết khó khăn hơn thì bài học kinh nghiệm từ Hải Dương đó là sự vào cuộc của công an trong truy vết. Đây là một ghi nhận quý báu tại Hải Dương và hiện nhiều địa phương đã áp dụng.

Tới đây, Bộ Y tế và Bộ Công an sẽ phối hợp để tập huấn cho lực lượng công an triển khai truy vết tại các tỉnh, thành phố. Vì thế, khi xảy ra dịch, các lực lượng y tế, công an, tổ COVID-19 cộng đồng phát huy hiệu quả trong truy vết, cách ly. Kinh nghiệm này rất quý báu.

Kinh nghiệm thứ 4 được Bộ Y tế đưa ra là về xét nghiệm. Thực tế cho thấy, chúng ta phải chuẩn bị cơ sở vật chất, cơ chế, tài chính thật tốt, phối hợp giữa các đơn vị trong triển khai lấy mẫu xét nghiệm, thực hiện trộn mẫu nếu số lượng mẫu xét nghiệm lớn. Các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch đều yêu cầu các địa phương nâng cấp năng lực xét nghiệm lên trong thời gian ngắn, làm càng nhanh, khống chế dịch càng sớm.

Kinh nghiệm thứ 5 là thành lập bệnh viện dã chiến rất nhanh. Thời kỳ đầu, Hải Dương cũng lúng túng về điều trị, nhưng Bộ Y tế đã yêu cầu thành lập ngay bệnh viện dã chiến tại Chí Linh và bệnh viện dã chiến Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương. Chỉ trong hơn 15 giờ đồng hồ, với sự hỗ trợ của các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai, Hải Dương đã thiết lập được bệnh viện dã chiến với đầy đủ trang thiết bị cấp cứu, đáp ứng tình hình dịch.

Vì thế, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải sử dụng cơ sở y tế sẵn có để thiết lập bệnh viện dã chiến trên cơ sở bệnh viện/ cơ sở điều trị sẵn có mà vẫn bảo đảm các nơi khác khám, chữa bệnh thông thường không bị ảnh hưởng, tập trung lực lượng để điều trị bệnh nhân COVID-19.

Nhấn mạnh tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Y tế đặc biệt nêu rõ, việc điều phối nhân lực y tế trong lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị, truy vết khoanh vùng, cách ly cũng phải được triển khai bài bản, mạnh mẽ.

Kinh nghiệm thứ 6, trong các đợt dịch, Bộ Y tế đã tổ chức triển khai cắm lực lượng tiền phương tại chỗ để vừa nắm bắt đánh giá tình hình trên thực tiễn, nắm chắc tình hình, trên cơ sở đó có những chỉ đạo phù hợp với thực tiễn, kiểm soát tốt tình hình, điều phối lực lượng y tế trên địa bàn chống dịch.

Qua thực tiễn điều hành, qua thành công khống chế 3 đợt dịch, càng ngày chúng ta càng có đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn để điều hành chống dịch. Kinh nghiệm này rất quý báu với các địa phương, kể cả địa phương có nguy cơ thấp xảy ra dịch.

Ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, cách ly đúng quy định là vấn đề then chốt trong kiểm soát dịch

Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế nhận định nguy cơ xuất hiện dịch tại nước ta là rất lớn trong bối cảnh bùng phát dịch tại các nước láng giềng và trên thế giới. Trong khi đó, nước ta vẫn phải tổ chức các chuyến bay giải cứu. Vì thế, việc kiểm soát dịch trong thời gian tới là thách thức rất lớn. Do đó, Bộ Y tế liên tục nhắc nhở các địa phương không được lơ là, chủ quan, triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch.

Hiện nay khu vực nóng bỏng nhất là biên giới Tây Nam và các tỉnh Tây Nam Bộ. Tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cử các đoàn công tác đến vùng này. Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đặc biệt là lực lượng biên phòng bảo vệ vững chắc đường biên giới, ngăn chặn nhập cảnh trái phép và thực hiện cách ly đúng quy định. Đây là những vấn đề then chốt trong kiểm soát dịch giai đoạn tới đây.

"Nếu chúng ta lơ là, buông lỏng, để xảy ra ca bệnh nhập cảnh, từ đó lây nhiễm trong cộng đồng đặc biệt nếu là biến chủng của Anh và Nam Phi thì việc kiểm soát dịch trong cộng đồng rất khó khăn"- Lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh.

Khi phát hiện trường hợp nhập cảnh trái phép, các địa phương phải báo ngay cho cơ quan chức năng để cách ly trường hợp này và xử lý nghiêm. Cần tăng cường xét nghiệm tầm soát tại khu vực và đối tượng có nguy cơ một cách thường xuyên, nhằm phát hiện sớm mầm bệnh trong cộng đồng.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương cập nhật bản đồ an toàn COVID-19. Đặc biệt các Sở Y tế phải triển khai thật nhanh việc cập nhập bản đồ an toàn COVID-19 tại các phòng khám tư nhân vì thực tế, việc này đang triển khai khá chậm trễ. Nếu phòng khám nào không tuân thủ quy định phòng, chống dịch có thể đình chỉ phòng khám đó. Với các cơ sở y tế, tiếp tục thực hiện khai báo y tế. Các địa phương đề nghị người dân cài đặt sổ sức khỏe điện tử.

Các địa phương phải chuẩn bị kịch bản cho tình huống có dịch, nâng cấp cơ sở xét nghiệm để đáp ứng lấy mẫu xét nghiệm; chuẩn bị kịch bản cách ly trên diện rộng; chuẩn bị hậu cần cho cách ly; chuẩn bị các tình huống điều trị…

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-cac-dia-phuong-can-san-sang-cho-tinh-huong-co-dich-covid-19-n190103.html