Bộ Y tế: Chấm dứt dùng vaccine AstraZeneca cho nhu cầu khẩn cấp vì dịch COVID-19 không còn cấp bách
Bộ Y tế cho biết đã nhận được thông báo của AstraZeneca về việc chấm dứt hợp đồng hoặc chấm dứt phê duyệt sử dụng vaccine AstraZeneca cho nhu cầu khẩn cấp tại các nước, chứ không phải thu hồi trên toàn cầu.
Quy trình sàng lọc trước khi tiêm vaccine AstraZeneca được các cơ sở y tế thực hiện rất bài bản
Chiều nay, ông Phan Công Chiến, Trưởng Phòng Quản lý kinh doanh dược (Cục Quản lý Dược Bộ Y tế), cho biết Cục Quản lý Dược vừa nhận được thông báo của phía AstraZeneca về việc chấm dứt phê duyệt sử dụng vaccine AstraZeneca phòng COVID-19 cho nhu cầu khẩn cấp tại Việt Nam, do dịch bệnh không còn trong giai đoạn cấp bách.
Ông Phan Công Chiến nhấn mạnh: Thông báo của phía AstraZeneca cho biết họ bắt đầu chấm dứt hợp đồng hoặc chấm dứt phê duyệt sử dụng vaccine này cho nhu cầu cấp bách tại các quốc gia, chứ không phải thu hồi vaccine này trên toàn cầu.
Với quyết định trên của AstraZeneca, nếu tới đây Việt Nam sử dụng lại vaccine này sẽ phải làm lại các quy trình nhập khẩu vaccine theo đúng quy định.
Hiện nay, Việt Nam không còn vaccine AstraZeneca phòng COVID-19, mà chỉ còn một lượng ít vaccine COVID-19 của Pfizer có hạn dùng đến cuối tháng 9/2024, để dự phòng tiêm chủng cho đối tượng có nguy cơ cao.
Theo đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đợt tiêm vaccine AstraZeneca cuối cùng ở nước ta là từ tháng 7/2023. Lần gần nhất là vào tháng 2/2023, tức hơn một năm trước, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phân bổ hơn 800.000 liều vaccine này có hạn dùng đến tháng 7/2023 tới các địa phương, để triển khai tiêm chủng mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên.
Hôm qua, 7/5, Cơ quan Dược phẩm châu Âu đã ra thông báo dừng cấp phép sử dụng vaccine AstraZeneca trên toàn thế giới, do dư thừa các vaccine loại mới.
Tờ The Guardian của Anh thông tin: AstraZeneca bắt đầu ngừng cung cấp vaccine COVID-19 trên toàn thế giới. Hãng này cho biết quyết định này được đưa ra vì hiện nay có nhiều loại vaccine mới hơn đã được điều chỉnh để phù hợp với các biến thể COVID-19, dẫn đến nhu cầu về vaccine AstraZeneca giảm sút.
Tuyên bố của AstraZeneca cũng cho biết: “Theo ước tính độc lập, hơn 6,5 triệu sinh mạng đã được cứu chỉ trong năm đầu tiên sử dụng và hơn 3 tỉ liều thuốc đã được cung cấp trên toàn cầu. Những nỗ lực của chúng tôi đã được các chính phủ trên thế giới công nhận và được nhiều người coi là một phần quan trọng trong việc chấm dứt đại dịch toàn cầu”.
Vaccine AstraZeneca đã góp phần khống chế dịch COVID-19 ở Việt Nam và thế giới đặc biệt trong giai đoạn đầu
Giáo sư Catherine Bennett của Đại học Deakin ở Úc cho biết, vaccine AstraZeneca đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại COVID-19 trên toàn thế giới, đặc biệt là trong những ngày đầu của đại dịch khi số lượng vaccine còn hạn chế. Nó đã cứu sống hàng triệu người và điều đó không nên bị lãng quên. Tuy nhiên, AstraZeneca nhắm vào các biến thể ban đầu còn hiện chúng tôi chuyển sang chuỗi vaccine theo đuổi các biến thể đang nổi lên.
Tháng 4/2024, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo rằng các công thức vaccine COVID-19 nên nhắm vào dòng vi rút JN.1, dòng này đang thay thế các biến thể dòng XBB hiện có.
Theo chuyên gia cứu dịch tễ học Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Đại học Sydney Việt Nam, giáo sư Y tế công cộng tại Đại học Sydney - khi COVID-19 xuất hiện nhiều biến thể mới thì vaccine mRNA phổ biến hơn, các nước đều dùng Pfizer. Sau đó xuất hiện biến thể Omicron thì chính vaccine mRNA cũ cũng giảm hiệu lực, và thế giới đã chuyển sang vaccine m-RNA 1273 (loại kiểm soát được được cả biến thể cũ và biến thể Omicron), nên không ai dùng vaccine AstraZeneca nữa.
Bà Thu Anh giải thích thêm: Vì vaccine AstraZeneca không phải trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng, mà được cấp phép khẩn cấp, nên khi thừa thì sẽ thu hồi. Giống như vaccine trong các nghiên cứu của chúng tôi, nếu nghiên cứu xong mà thừa là thu hồi hủy theo quy trình. Việc này là thường quy.
“Trong hệ thống y tế nói chung, nếu có thuốc hết hạn, thuốc không dùng, thì cũng phải thu hồi và hủy. Nhưng thu hồi không như mọi người nghĩ là lấy hết đem chuyển về kho trung ương, mà họ sẽ hủy tại chỗ, ở nơi có chứng chỉ, đạt tiêu chuẩn, đảm bảo là hủy thật chứ không dùng làm việc khác”, chuyên gia dịch tễ học Nguyễn Thu Anh cho hay.
Vaccine COVID-19 AstraZeneca do Công ty dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Anh) nghiên cứu, phát triển. Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, vaccine này đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 181 quốc gia, vùng lãnh thổ. Vaccine này cũng đã được tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào danh mục sử dụng khẩn cấp.
Tại Việt Nam, vaccine COVID-19 AstraZeneca là vaccine đầu tiên được phê duyệt trong giai đoạn đại dịch COVID-19.