Bộ Y tế chỉ rõ biện pháp bảo vệ sức khỏe trước tác động của nắng nóng, hạn hán

Chiều 3-4, Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước về việc dự phòng bảo vệ sức khỏe cộng đồng, người lao động trước tác động của nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo đó, Bộ Y tế nêu rõ, qua dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, năm 2024 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, từ đầu năm đến nay nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã xảy ra ở một số địa phương nhất là ở ĐBSCL và miền Trung, Tây nguyên. Thời gian tới, nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn trung bình nhiều năm, có nguy cơ gây hạn hán, thiếu nước sạch cho sinh hoạt và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, người lao động.

 Nắng nóng và hạn hán gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe người dân

Nắng nóng và hạn hán gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe người dân

Để chủ động bảo vệ sức khỏe người dân và phòng chống dịch, bệnh trong mùa nắng nóng, Bộ Y tế đã xây dựng các tài liệu hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa nắng nóng cho cộng đồng và người lao động; hướng dẫn xử lý nước hộ gia đình bằng các biện pháp đơn giản. Các tài liệu này nhằm giúp người dân có những kiến thức cơ bản trong việc thực hiện các biện pháp xử trí, dự phòng một số vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa nắng nóng, cũng như biết cách áp dụng các biện pháp xử lý nước đơn giản để có nước sạch sử dụng tạm thời cho mục đích sinh hoạt trong mùa khô hạn thiếu nước.

 Sử dụng phèn chua để làm sạch nguồn nước là biện pháp đơn giản, hiệu quả

Sử dụng phèn chua để làm sạch nguồn nước là biện pháp đơn giản, hiệu quả

Đối với hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa nắng nóng cho cộng đồng và người lao động, Bộ Y tế chỉ rõ, vào mùa nắng nóng, người dân có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe thường gặp như: say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do nóng. Nguyên nhân chủ yếu là tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.

Khi gặp vấn đề sức khỏe do nắng nóng, tùy theo mức độ biểu hiện mà cần nhanh chóng áp dụng những biện pháp xử trí phù hợp. Đối với mức độ nhẹ, chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió; nới lỏng quần áo hoặc cởi bỏ bớt quần áo bên ngoài của nạn nhân sau đó, lau cơ thể nạn nhân bằng khăn mát hoặc có thể dội nước mát vào cơ thể nạn nhân rồi lau khô; đặt khăn thấm nước mát hoặc nước đá tại các vị trí như vùng nách, vùng bẹn, hai bên cổ để giúp nhanh chóng giảm nhiệt độ cơ thể. Nếu nạn nhân uống được nước, cho uống từng ngụm nhỏ nước mát.

Nếu nạn nhân có các biểu hiện ở mức độ nặng, cần gọi ngay cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Lưu ý, trong quá trình vận chuyển thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.

Với việc xử lý nguồn nước sinh hoạt hộ gia đình, Bộ Y tế khuyến cáo nên lựa chọn nước giếng đào, nước giếng khoan để xử lý. Trong trường hợp không có nguồn nước ngầm, phải sử dụng nước ao hồ, sông suối, kênh rạch thì cần lựa chọn những điểm có khả năng ít bị ô nhiễm nhất, cố gắng lấy nước càng xa bờ càng tốt. Việc xử lý làm trong nước, đơn giản nhất là dùng phèn chua hoặc lọc bằng vải sạch. Dùng phèn chua với liều lượng 1g phèn chua (một miếng bằng khoảng nửa đốt ngón tay) cho 20 lít nước.

KHÁNH NGUYỄN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bo-y-te-chi-ro-bien-phap-bao-ve-suc-khoe-truoc-tac-dong-cua-nang-nong-han-han-post733686.html