Bộ Y tế: Công tác dân số có ý nghĩa quyết định quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước
Sáng ngày 26/12/2023 tại Hà Nội, Cục Dân số (Bộ Y tế) đã tổ chức mít-tinh kỷ niệm ngày Dân số Việt Nam, tổng kết công tác dân số năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Năm nay tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày Dân số có chủ đề 'Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước' với mục đích nâng cao nhận thức của mọi người về vai trò quan trọng của việc tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, giúp các cặp đôi chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân và chuẩn bị sức khỏe để sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Tham gia lễ kỷ niệm có PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Phạm Vũ Hoàng - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Dân số, cùng lãnh đạo Cục Dân số, lãnh đạo các địa phương trong cả nước.
Trong diễn văn chào mừng kỷ niệm ngày Dân Số Việt Nam PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: “Công tác dân số vừa cấp bách, nhưng cũng vừa cơ bản và lâu dài, có ý nghĩa quyết định quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Bộ Y tế trân trọng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo nhất là về công tác cán bộ, sớm kiện toàn ổn định tổ chức bộ máy và nhân lực làm công tác dân số, đảm bảo chế độ chính sách cho cán bộ dân số; ưu tiên đầu tư, hỗ trợ nguồn lực kịp thời cho công tác dân số, tiếp tục phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo dân số và phát triển ở các cấp, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, các chương trình, đề án, kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đưa công tác dân số thành nội dung quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp.
Cũng nhân buổi lễ này Bộ Y tế trân trọng đề nghị các bộ, ban, ngành cùng đoàn thể các cấp, các cơ quan truyền thông, mỗi cộng đồng và từng người dân tăng cường phối hợp, chia sẻ, đồng hành và hưởng ứng tích cực góp phần cùng với ngành Y tế - dân số triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu về công tác Dân số trong tình hình mới đã đề ra".
Kết quả công tác dân số 2023
Năm 2023, công tác dân số tiếp tục nhận được sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ; sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Y tế; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, đoàn thể, của cấp ủy, chính quyền và sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân. Điều đó thể hiện Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển.
Với tinh thần chủ động, quyết liệt cán bộ làm công tác dân số các cấp đã nỗ lực, cố gắng thực hiện các hoạt động, chỉ tiêu và nhiệm vụ kế hoạch năm 2023. Tuy nhiên năm 2023, ước tính nhiều chỉ tiêu công tác dân số không hoàn thành còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Mức sinh giảm dưới mức sinh thay thế, còn biến động khó lường; hoạt động cung ứng dịch vụ dân số bị gián đoạn; mất cân bằng giới tính khi sinh trở thành thách thức với công tác dân số từ nhiều năm nay và đang có dấu hiệu tăng. Nhiều địa phương vẫn đang tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy làm công tác dân số, gồm cả cộng tác viên dân số. Chất lượng thông tin, số liệu chuyên ngành dân số chưa được đầu tư đúng mức làm giảm độ tin cậy đáp ứng yêu cầu.
Định hướng kế hoạch năm 2024
Chỉ tiêu cơ bản của công tác dân số năm 2024 được định hướng, nâng cao tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh: 73,9 tuổi; Tỷ số giới tính khi sinh: 111,1 số bé trai/100 bé gái sinh ra sống ;Tổng tỷ suất sinh: 2,1 con/phụ nữ; Giảm tỷ số giới tính khi sinh (-SRB): -0,1 điểm phần trăm so năm 2023; Điều chỉnh mức sinh (+/-CBR): +0,3‰ so với năm 2023; Tổng số người mới sử dụng BPTT hiện đại trong năm: 5.075.316 người; Giảm số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn: 15% so với năm 2023; Tỷ lệ bà mẹ mang thai được tầm soát (sàng lọc trước sinh), đủ 4 bệnh: 50%; Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát (sàng lọc sơ sinh), đủ 5 bệnh: 60%; Tăng thêm tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn: 8% so với năm 2023; Tăng thêm tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm: 11% so với năm 2023.
Đặc biệt hướng trọng tâm trong công tác xây dựng chương trình dân số năm 2024 theo hướng hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Xây dựng Luật Dân số là ưu tiên hàng đầu và cấp bách, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để báo cáo Bộ Y tế, trình Chính phủ xem xét, quyết định việc đề xuất Quốc hội cho phép đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội với tiến độ cụ thể như sau: Trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025); Trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Bên cạnh đó tiếp tục triển khai các chương trình, đề án, đôn đốc việc xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp của các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW. Đôn đốc, tổng hợp, xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới năm 2023.
Tập trung triển khai Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp vùng, đối tượng đến năm 2030 theo Quyết định số 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 588) và kế hoạch hành động thực hiện Chương trình của Bộ Y tế và địa phương.
Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con. Tập trung vận động, khuyến khích sinh đủ hai con ở nơi có mức sinh thấp, sinh ít con hơn ở nơi có mức sinh cao và duy trì kết quả ở nơi đã đạt mức sinh thay thế.
Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số theo Nghị định số 39/2015/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định hiện hành.
Khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định không còn phù hợp với mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế, các quy định xử lý vi phạm chính sách dân số; đặc biệt đối với các tỉnh mức sinh thấp; bổ sung các chính sách khuyến khích, hỗ trợ theo Thông tư số 01/2021/TT-BYT ngày 25/01/2021 của Bộ Y tế.
Bảo đảm cấp đủ phương tiện tránh thai cho các đối tượng miễn phí tại Chương trình điều chỉnh mức sinh. Không để đối tượng được cấp miễn phí phòng tránh thai, không được thụ hưởng chính sách. Tổ chức chiến dịch tăng cường truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số phù hợp với từng vùng mức sinh đến 2025.
Xây dựng chương trình, tài liệu, tập huấn cho giảng viên tuyến tỉnh về khóa học trước khi kết hôn cho nam, nữ chuẩn bị kết hôn. Đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ y tế, dân số, cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản, người cung cấp dịch vụ. Lồng ghép vào chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý trong trường chính trị, hành chính.
Tại 33 tỉnh thuộc vùng mức sinh cao tập trung: Tuyên truyền về lợi ích của việc sinh ít con hơn. Khẩu hiệu: “Dừng ở hai con để nuôi, dạy cho tốt”. Tại 30 tỉnh còn lại (vùng mức sinh thấp và mức sinh thay thế): Tuyên truyền về lợi ích của việc sinh đủ hai con. Khẩu hiệu “Mỗi gia đình, cặp vợ chồng sinh đủ hai con”. Rà soát, bãi bỏ các quy định của địa phương liên quan đến mục tiêu giảm sinh, giảm sinh con thứ 3 trở lên.
Nhìn chung công tác Dân số năm 2023 đã có những chuyển biến tích cực đáng ghi nhận với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là với sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự đồng thuận, hưởng ứng của quần chúng nhân dân; Chương trình dân số Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng cả về chất và về lượng; Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công.
Bên cạnh đó, mức sinh thay thế được duy trì trong suốt 16 năm qua, cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực và dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng, qua đó chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt.
Cụ thể, tuổi thọ trung bình tăng nhanh và cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á; Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam được cải thiện; Làm tốt về công tác dân số là góp phần thắng thắng lợi vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ sự ổn định của đất nước./.