Bộ Y tế đã chuyển 16 vụ sản xuất, buôn bán sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất cấm đến cơ quan công an

Bộ Y tế vừa trả kiến nghị của cử tri về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc mua bán, sản xuất các loại thực phẩm bẩn, độc hại để bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Hình minh họa

Hình minh họa

Bộ Y tế cho biết, trong thời gian vừa qua, hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm đã được triển khai từ Trung ương đến địa phương với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành chức năng.

Qua đó, nhiều vụ vi phạm đã được kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo pháp luật, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; giúp người dân có thêm thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn.

Các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm đã cơ bản hoàn thiện. Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của luật an toàn thực phẩm với nhiều cơ chế mới trong quản lý an toàn thực phẩm,…phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chế tài xử lý vi phạm cũng đã được quy định đầy đủ, bao gồm các biện pháp xử lý hành chính và hình sự, nhằm đảm bảo tính răn đe và nghiêm minh của pháp luật, cụ thể như sau:

Về xử lý hành chính, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; Nghị định số 124/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP; Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, quy định hành vi cụ thể, rõ ràng, chỉ quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không quy định hình thức cảnh cáo, phạt nhiều hành vi đối với 01 cơ sở vi phạm, mức xử phạt tăng ở tất cả các hành vi, mức phạt tiền tối đa đến 07 lần giá trị hàng hóa vi phạm.

Các quy định này nêu rõ hành vi vi phạm và các hình thức xử phạt như phạt tiền, đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép, buộc thu hồi và tiêu hủy thực phẩm vi phạm.

Cụ thể, Bộ Y tế đã từng xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt cao nhất/1 vụ việc lên đến 11 tỷ đồng. Đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả: Đình chỉ hoạt động sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong thời hạn 11 tháng; Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trong thời hạn 22 tháng đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm; Buộc thu hồi và thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc tiêu hủy thực phẩm vi phạm.

Bộ Y tế cũng thường xuyên phối hợp với cơ quan công an trong xử lý vụ việc phát hiện sản phẩm chứa chất cấm, hàng giả, có dấu hiệu hình sự.

Cũng theo Bộ Y tế, từ năm 2022 đến nay đã chuyển 16 vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa chất cấm; vụ việc có dấu hiệu nhập khẩu, kinh doanh hàng giả, sử dụng giấy tờ giả... đến cơ quan Công an để xác minh, xử lý.

Về xử lý hình sự, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan trình Quốc hội ban hành Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017, trong đó có Điều 317 về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Theo Bộ Y tế, quy định xử lý hình sự khi gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 05 người trở lên, khung hình phạt cao nhất lên đến 20 năm cho tội danh này trong trường hợp chết 03 người trở lên hoặc gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 201 người trở lên hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.Khung hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/bo-y-te-da-chuyen-16-vu-san-xuat-buon-ban-san-pham-thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-co-chua-chat-cam-den-co-quan-cong-an-20240809094729413.htm