Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư về hướng dẫn phương pháp chế biến dược liệu

Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn phương pháp chế biến dược liệu và ban hành danh mục dược liệu sơ chế, vị thuốc cổ truyền.

Theo dự thảo, Thông tư này hướng dẫn phương pháp chế biến dược liệu và ban hành danh mục dược liệu sơ chế, vị thuốc cổ truyền. Áp dụng đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu có hoạt động chế biến các dược liệu (sau đây viết tắt là cơ sở) và tổ chức, cá nhân có liên quan.

Dự thảo Thông tư cũng giải thích rõ: Chế biến dược liệu là quá trình sơ chế hoặc phức chế; Sơ chế dược liệu là quá trình thực hiện một hoặc nhiều thao tác sau: loại tạp, ngâm, rửa, ủ, cắt đoạn, thái phiến, phơi, sấy để tạo thành dược liệu sơ chế; Phức chế dược liệu là quá trình chế biến theo lý luận của y học cổ truyền hoặc kinh nghiệm dân gian làm thay đổi về chất, lượng và bản chất của dược liệu để tạo thành vị thuốc cổ truyền; Phụ liệu dùng trong chế biến dược liệu là những nguyên liệu được dùng trong các giai đoạn của quá trình chế biến nhằm tăng thêm tác dụng điều trị hoặc hạn chế tác dụng không mong muốn hoặc thay đổi mùi, vị của dược liệu.

Tại dự thảo, Bộ Y tế đã đề xuất hướng dẫn về phương pháp sơ chế dược liệu bao gồm: Phương pháp loại tạp; phương pháp ngâm; phương pháp rửa; phương pháp ủ; phương pháp thái phiến, cắt đoạn; phương pháp phơi và phương pháp sấy.

Người dân đang chế biến dược liệu. Ảnh: Nhân Dân.

Người dân đang chế biến dược liệu. Ảnh: Nhân Dân.

Phương pháp phức chế bao gồm: Phương pháp sao qua; phương pháp sao vàng; phương pháp sao vàng cháy cạnh; phương pháp sao vàng hạ thổ; phương pháp sao đen; phương pháp sao cháy; phương pháp chích rượu; phương pháp chích gừng; phương pháp chích muối; phương pháp chích giấm; phương pháp chích mật ong; phương pháp sao cám; phương pháp sao cách gạo; phương pháp sao cách bột văn cáp; phương pháp sao cách cát; phương pháp sao cách đất; phương pháp nung kín; phương pháp nung hở; phương pháp hỏa phi; phương pháp nướng; phương pháp ngâm; phương pháp ủ; phương pháp thủy phi; phương pháp chưng; phương pháp đồ; phương pháp nấu.

Cụ thể ở phương pháp nấu, Bộ Y tế hướng dẫn: Dược liệu được làm mềm, cho vào nồi loại to xếp dưới loại nhỏ xếp ở trên. Đổ ngập nước hoặc dịch phụ liệu (trên mức dược liệu 5 cm). Sau khi đun sôi thì duy trì nấu ở nhiệt độ sôi âm ỉ cho tới khi dược liệu chín kỹ. Thường xuyên đảo và bổ sung nước để dịch phụ liệu được tiếp xúc đều tới từng dược liệu. Khi dược liệu đã chín đun cho cạn còn khoảng 1/3 dịch, lấy dịch nấu để riêng, dược liệu để nguội, thái lát (dày 1 - 2mm). Tẩm dịch nấu (nếu có) và sấy cho tới khô.

Phương pháp sao vàng: Đun lửa nhỏ chảo nóng khoảng 100-160°C, cho dược liệu vào, đảo đều, nhanh đến khi mặt ngoài dược liệu có màu vàng hoặc màu sẫm hơn so với dược liệu chưa sao, bẻ phiến dược liệu, bên trong vẫn giữ nguyên màu. Lấy ra, để nguội, đóng gói. Sao lửa tăng từ từ, đều lửa không quá mạnh gây cháy xém. Những dược liệu có màu tối hơn màu vàng (như: màu nâu, xanh, lục, vàng cam, đỏ...), quá trình sao phải không có khói do cháy; vị thuốc phải có màu khác rõ rệt so với màu dược liệu khi chưa sao, nhưng không được có màu đen do cháy.

Phương pháp sao vàng hạ thổ: Chuẩn bị hố đất, mỗi chiều dài khoảng 25 - 30 cm, trải lớp vải thô, cho vị thuốc được sao vàng vào hố, phủ lớp vải lên trên. Để yên khoảng 30 phút. Lấy thuốc ra, tãi mỏng đến khô. Đóng gói.

Dự thảo nêu rõ, phụ liệu dùng trong chế biến bao gồm: Cám gạo, gạo, nước vo gạo, giấm, rượu hoặc ethanol dược dụng, dầu vừng, dịch gừng tươi (Sinh khương), mật ong, văn cáp (bột vỏ hàu, hến) hoặc hoạt thạch, muối ăn, phèn chua, nước vôi, cát, đất, dịch vị thuốc.

Kèm với dự thảo Thông tư, Bộ Y tế cũng sẽ ban hành kèm 368 danh mục dược liệu sơ chế và phương pháp sơ chế cụ thể đổi với từng loại.

Ví dụ: Ba kích, phương pháp sơ chế là loại bỏ tạp chất, rửa sạch, đồ kỹ hoặc luộc qua, khi còn đang nóng rút bỏ lõi gỗ, cắt thành đoạn 3-5cm, phơi hoặc sấy khô. Yêu cầu cảm quan: Là những mảnh nhỏ, cắt đoạn 3-5 cm, có dạng quăn queo, vỏ ngoài vàng nhạt hay hơi xám. Thể chất dai, mặt cắt ngang có màu tím nhạt, mùi thơm.

Bạc hà: Phương pháp sơ chế là loại bỏ thân già và tạp, cắt đoạn, phơi trong bóng râm hoặc sấy nhẹ ở 30°C-40°C đến khô. Yêu cầu cảm quan: Thân có thiết diện vuông, xốp, màu nâu tím hoặc xanh xám. Mặt cắt ngang có màu trắng, thân già đôi khi rỗng ở giữa. Lá mọc đối, cuống lá dài từ 0,5-1,5 cm, phiến lá hình mũi mác, dài 3-7 cm, rộng 1,5-3 cm. Đầu lá thuôn nhọn hoặc hơi tù, mép có răng cưa nhọn. Lá khô dễ vụn nát. Cụm hoa mọc ở kẽ lá. mùi thơm dễ chịu, vị cay nhẹ, sau mát…

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-dang-lay-y-kien-du-thao-thong-tu-ve-huong-dan-phuong-phap-che-bien-duoc-lieu-169231003093108951.htm