Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ tiền cho phụ nữ sinh con thứ 2
Đại diện Cục Dân số Bộ Y tế cho biết dự thảo Luật Dân số đề xuất các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp sẽ hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2.
Tốc độ gia tăng dân số của Việt Nam đã được khống chế, đạt mức sinh thay thế, tức là trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở Việt Nam sinh khoảng 2,1 con. "Dù vậy nước ta cũng đối mặt tình trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nói tại hội thảo về mức sinh thấp sáng 10/11.
Theo bà Hương, bên cạnh 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao (trên 2,2 con), hiện có 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (dưới 2 con), thậm chí một số nơi mức sinh rất thấp tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung.
Các tỉnh, thành này gồm: TP.HCM, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An...
"Các tỉnh mức sinh thấp có quy mô dân số là gần 38 triệu người (chiếm gần 40% dân số cả nước), tác động rất lớn đến phát triển bền vững", theo Thứ trưởng Liên Hương.
Ông Mai Trung Sơn, Cục Dân số, dẫn số liệu 4 lần Tổng điều tra dân số và nhà ở gần nhất cho thấy mức sinh của hầu hết các vùng kinh tế - xã hội đều giảm, riêng vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long "giảm rất sâu".
"Hiện mỗi phụ nữ ở vùng Đông Nam bộ chỉ còn 1,56 con/phụ nữ, đồng bằng sông Cửu Long là 1,8. Các chuyên gia cho rằng nếu mức sinh về dưới 1,3 con thì hầu như không có khả năng hồi phục về mức sinh thay thế", ông Sơn nói. Trong khi đó, có năm mức sinh ở TP.HCM về còn 1,24 con, tương đương các nước châu Âu phát triển.
Với các vùng còn lại, mức sinh có giảm nhưng vẫn cao, Tây Nguyên hay miền núi phía Bắc phụ nữ vẫn sinh trên 2,4 con. Mức sinh ở đồng bằng sông Hồng và duyên hải miền Trung đang tăng cao trở lại.
Mức chênh lệch mức sinh ở các vùng không chỉ "đáng kể" mà theo ông Sơn ngày càng kéo khoảng cách rộng ra. Vì thế, các chính sách can thiệp mức sinh buộc phải khác biệt cho các vùng, miền, địa phương, không thể "cào bằng".
Đại diện Cục Dân số cho biết đang tham mưu xây dựng dự thảo Luật Dân số, trong đó, đề xuất các biện pháp của nhà nước khuyến khích sinh đủ 2 con tại tỉnh, thành phố có mức sinh thấp.
"Đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2 mục đích là trong quá trình mang thai phụ nữ cần nghỉ làm, bồi dưỡng sức khỏe", ông Sơn nói.
Cùng đó, dự thảo đề xuất miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học, đặc biệt các khu công nghiệp, khu chế xuất; Xây dựng môi trường cộng đồng phù hợp tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con,...
Các tỉnh, thành có mức sinh thấp cũng cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con mà cần khuyến khích sinh đủ 2 con. "Nếu không có biện pháp can thiệp thì tình hình rất quan ngại", ông Sơn nói, thêm rằng các địa phương phải xác định thực trạng, xu hướng mức sinh của địa phương để có kế hoạch phù hợp thực tiễn.
Mức sinh thấp để lại hệ lụy lâu dài, chi phí chăm sóc sức khỏe và chi phí xã hội khác cao hơn, Tiến sĩ Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế, nói. Lượng người lao động, công nhân ít hơn cũng làm giảm khả năng cạnh tranh kinh tế, ít người tiêu dùng hơn, từ đó khiến tăng trưởng kinh tế thấp hơn và mức sống giảm đi.
Nhiều quốc gia khi đối diện tình trạng mức sinh giảm thấp đã liên tục đưa ra các biện pháp ngăn đà giảm. Ông Đức lấy ví dụ, tại Hàn Quốc, sau khi phá kỷ lục về tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, chính phủ đã tăng gấp 3 lần số tiền chi trả cho hoạt động khuyến sinh; tăng mạnh trợ cấp để khuyến khích các gia đình sinh thêm con. Bất chấp khó khăn trong chính sách tài chính, Hàn Quốc vẫn tăng hỗ trợ các gia đình. Trong khi tại Hungary, Thủ tướng nước này tuyên bố sinh 4 con trở lên sẽ không phải đóng thuế thu nhập cá nhân suốt đời...