Bộ Y tế: Địa phương phải linh hoạt trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế

Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, các địa phương phải rất linh hoạt trong vận dụng để tổ chức đấu thầu, miễn là công khai, minh bạch, không có lợi ích nhóm...

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/8, phóng viên đặt câu hỏi về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số bệnh viện. Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh đến hai nội dung chính là vấn đề thể chế, văn bản, nghị định liên quan và quá trình tổ chức thực hiện ở địa phương, cơ sở y tế.

"Nếu thể chế đầy đủ rồi nhưng các địa phương, đơn vị trong tổ chức thực hiện còn gặp vấn đề thì không thể làm được đủ thuốc, vật tư. Chẳng hạn, các địa phương có bố trí kinh phí không, kế hoạch xây dựng, lựa chọn nhà thầu có đảm bảo hay không, lựa chọn nhà thầu rồi nhưng có chịu cung ứng thuốc và vật tư hay không, hay họ bỏ, không tham gia…", Thứ trưởng Tuyên cho hay.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin về việc mua sắm thuốc, vật tư y tế. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin về việc mua sắm thuốc, vật tư y tế. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định, thời gian qua, đặc biệt sau dịch Covid-19, có xảy ra tình trạng thiếu thuốc ở một số đơn vị, một số địa phương, ở một số thời điểm nhất định và chỉ thiếu một số loại chứ không phải thiếu tất cả.

"Tôi đi khảo sát ở Bệnh viện Trung ương Huế, các đồng chí khẳng định không thiếu thuốc", ông Tuyên nói.

Cho biết Bộ Y tế đã nhận diện được tình trạng này và đề ra giải pháp khắc phục, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên liệt kê hàng loạt văn bản và dự án luật mà Bộ này đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội nhằm tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế.

Trên cơ sở đó, các thông tư về danh mục thuốc đàm phán giá, đấu thầu tập trung được ban hành. Với thông tư 07 năm 2024, theo ông Tuyên là rất quan trọng, quy định đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế, hướng dẫn các quy trình.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã và đang hoàn thiện 2 dự án sửa đổi Luật Dược và Luật Bảo hiểm y tế trình Quốc hội. Trong đó, Luật Dược đưa ra các chính sách, trong đó cơ bản các chính sách đều có sự cải cách thủ tục hành chính rất mạnh, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy lưu hành thuốc…

Ông Tuyên cũng chỉ ra 4 điểm mới trong các chính sách được ban hành nhằm tháo gỡ cho tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế.

Cụ thể, thứ nhất cho sử dụng một giấy báo giá (thay vì ba giấy báo giá như trước) hoặc giấy báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính của cơ sở y tế và yêu cầu chuyên môn.

Mua thiết bị, hóa chất là phải có hội đồng của cơ sở y tế đánh giá, đề xuất để tránh tình trạng mua về nhưng không dùng được.

Thứ hai, được chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách để duy trì hoạt động thường xuyên của cơ sở y tế. Tức là nếu đấu thầu không trúng sẽ được chỉ định thầu.

Thứ ba, quy định cụ thể các trường hợp cấp cứu dịch bệnh được áp dụng chỉ định thầu.

Thứ tư, được tùy chọn mua thuốc để mua thêm ngay tối đa 30% khối lượng đã ký hợp đồng trước đó.

"Qua đi khảo sát thực tế, vấn đề hoàn thiện thể chế trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế cơ bản đầy đủ, chủ yếu ở khâu triển khai thực hiện. Các địa phương phải rất linh hoạt trong vận dụng để tổ chức đấu thầu, miễn là công khai, minh bạch, không có lợi ích nhóm, hay dấu hiệu tham nhũng, lãng phí trong vấn đề này", ông Tuyên nhấn mạnh.

Nguyên Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-y-te-dia-phuong-phai-linh-hoat-trong-dau-thau-thuoc-vat-tu-y-te-335544.html