Bộ Y tế dự kiến sẽ có nhiều kiến nghị về ngân sách, chế độ đãi ngộ lên Quốc hội, Chính phủ
Bộ Y tế cũng kiến nghị với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ được giao phối hợp, hỗ trợ Bộ Y tế tiếp tục sửa đổi, tháo gỡ các khó khăn, bất cập trong chính sách y tế.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, năm 2024 Bộ này sẽ có những kiến nghị lên Quốc hội, Chính phủ và nhiều bộ ngành về các nội dung liên quan đến ngành Y tế.
Theo đó, Bộ Y tế sẽ kiến nghị Quốc hội tiếp tục tăng chi ngân sách hằng năm cho sự nghiệp y tế, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân 34 sách nhà nước, tập trung ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, biển đảo, các lĩnh vực phong, lao, tâm thần... theo Nghị quyết 18/2008/QH12 của Quốc hội, Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương.
Bộ Y tế cũng mong Quốc hội tiếp tục quan tâm, tăng cường giám sát việc thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội liên quan đến lĩnh vực y tế.
Đối với Chính phủ, các Bộ, ngành, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế kịp thời, đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác y tế;
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp liên ngành và kiểm tra giám sát của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền các cấp để đôn đốc và có các giải pháp khắc phục những tồn tại, bất cập trong lĩnh vực y tế.
Bộ Y tế cũng kiến nghị với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ được giao phối hợp, hỗ trợ Bộ Y tế tiếp tục sửa đổi, tháo gỡ các khó khăn, bất cập trong chính sách y tế, trước mắt là các vấn đề về mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế; quản lý tài sản công; cơ chế tự chủ, quản trị đơn vị sự nghiệp y tế công lập;
Giá dịch vụ y tế, phương thức chi trả, thanh toán chi phí bảo hiểm y tế.
Với Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan, Bộ Y tế mong ủng hộ có chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc.
Đối với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội phổ biến, vận động hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào rèn luyện, nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh.
Cũng theo Bộ Y tế, đối với Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố - Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương.
Đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về sức khỏe, y tế và các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bố trí đủ nguồn lực thực hiện đồng bộ công tác y tế, đặc biệt là công tác dự phòng, phòng chống dịch bệnh.
Ban hành cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ đối với đội ngũ nhân lực y tế, thu hút đầu tư trong lĩnh vực y tế.
Chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với Sở Y tế đánh giá, giao phương án tự chủ cho các cơ sở khám chữa bệnh phù hợp với khả năng của cơ sở và lộ trình kết cấu chi phí vào giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Bố trí đủ dự toán và bảo đảm kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ chi của Chương trình mục tiêu Y tế -Dân số khi chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên của ngành y tế.
Triển khai các dự án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội các dự án ODA giao cho địa phương thực hiện.