Bộ Y tế: 'Hành hung cán bộ y tế là không thể chấp nhận'

Liên tiếp xảy ra các vụ hành hung bác sĩ tại bệnh viện, Bộ Y tế khẳng định đây là hành vi không thể chấp nhận và cần xử lý nghiêm minh.

Ngày 7/5, ông Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, tình trạng bạo lực trong bệnh viện, đặc biệt tại khoa cấp cứu, trở thành vấn đề nghiêm trọng và cần giải quyết triệt để.

Nguyên nhân có thể do áp lực quá tải, thời gian chờ đợi dài và tâm lý lo lắng, bức xúc của người nhà bệnh nhân. Trong bối cảnh đó, nhân viên y tế không chỉ gánh vác trách nhiệm chuyên môn mà còn phải đối mặt với nguy cơ bị đe dọa, hành hung ngay khi đang thực hiện nhiệm vụ cứu người.

Bộ Y tế đã chỉ đạo các sở y tế địa phương phối hợp chặt chẽ với công an để đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở y tế. Các trường hợp tấn công bác sĩ cần được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, đồng thời yêu cầu người vi phạm phải xin lỗi công khai nhằm bảo vệ danh dự cho đội ngũ y tế.

Hình ảnh nam điều dưỡng Trung tâm Y tế Thanh Ba, Phú Thọ bị người nhà bệnh nhân đạp vào bụng. (Ảnh: Cắt từ clip)

Hình ảnh nam điều dưỡng Trung tâm Y tế Thanh Ba, Phú Thọ bị người nhà bệnh nhân đạp vào bụng. (Ảnh: Cắt từ clip)

Luật Khám bệnh, chữa bệnh cho phép bác sĩ từ chối khám chữa trong trường hợp bị đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này trên thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu quy trình xử lý rõ ràng và sự phối hợp kịp thời giữa các bên liên quan.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc bệnh nhân không đủ khả năng chi trả viện phí, hoặc phải chờ đợi các thủ tục hỗ trợ tài chính, khiến quá trình điều trị bị gián đoạn không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh, mà còn tạo thêm gánh nặng tâm lý cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng.

Để tháo gỡ, chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp như thành lập quỹ hỗ trợ tài chính tại các bệnh viện lớn để kịp thời giúp đỡ bệnh nhân khó khăn; nâng cao vai trò của phòng công tác xã hội trong việc kết nối các nguồn lực, hỗ trợ điều trị. Một số chuyên gia cũng đề nghị cải tiến cơ chế thanh toán, tạm ứng viện phí để bác sĩ có thể tập trung vào chuyên môn mà không bị cuốn vào các thủ tục hành chính rườm rà.

Ngoài ra, việc tính đúng, tính đủ chi phí khám chữa bệnh được nhấn mạnh như giải pháp căn cơ nhằm đảm bảo thu nhập hợp lý cho nhân viên y tế, góp phần ổn định tinh thần và giữ chân nhân lực chất lượng trong ngành.

"Các cơ sở y tế cần tạo ra môi trường làm việc an toàn, ổn định để nhân viên y tế yên tâm cống hiến. Khi bác sĩ được bảo vệ đúng mực, người bệnh mới có thể được chăm sóc tốt nhất", ông Đức nói.

Gần đây, liên tiếp ghi nhận các vụ nhân viên y tế bị hành hung ngay trong lúc làm nhiệm vụ. Ngày 4/5, một nhân viên y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định bị người nhà xô đẩy, đánh vào mặt.

Ngày 25/4, khi đang cấp cứu một bé trai 12 tuổi bị sốc phản vệ, các bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (Phú Thọ) bị người nhà bệnh nhi xô đẩy, tấn công. Dù bị gây rối, ê-kíp cấp cứu vẫn bình tĩnh xử lý chuyên môn, không ai rời khỏi vị trí hay phản ứng lại, nhằm không bỏ lỡ "thời gian vàng" cứu sống bệnh nhân.

Một bác sĩ thuộc khoa Cấp cứu của Trung tâm Y tế huyện Chư Sê (Gia Lai) cũng bị người nhà bệnh nhân hành hung, dẫn đến chấn động tâm lý và choáng váng.

Theo Bộ Y tế, phần lớn các vụ bạo lực nhắm vào cán bộ y tế xảy ra tại các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện. Trong đó, bác sĩ chiếm đến 70% số nạn nhân, tiếp theo là điều dưỡng với khoảng 15%. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc người nhà bệnh nhân thiếu hiểu biết về quy trình cấp cứu, hiểu lầm rằng bác sĩ chậm trễ, hoặc trong một số trường hợp, có hành vi mất kiểm soát do ảnh hưởng của rượu bia và chất kích thích.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng từng cảnh báo tình trạng bạo lực đối với nhân viên y tế là vấn đề toàn cầu, với phần lớn các vụ việc có nguồn gốc từ bệnh nhân hoặc người nhà của họ.

Như Loan

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/bo-y-te-hanh-hung-can-bo-y-te-la-khong-the-chap-nhan-ar941950.html