Bộ Y tế hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa xử trí vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng

Bộ Y tế đã điều chuyên gia chống độc đầu ngành vào hỗ trợ công tác điều trị cho các cơ sở y tế tại Nha Trang sau khi địa phương này để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.

Liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm khiến hàng loạt học sinh ở Khánh Hòa nhập viện, đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã điều các chuyên gia đầu ngành và nhiều y, bác sĩ của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vào hỗ trợ công tác điều trị cho các cơ sở y tế trên địa bàn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cũng liên quan đến vụ ngộ độc này, ngay từ ngày 18/11, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức cấp cứu, điều trị đối với các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm, trường hợp bệnh nhân có diễn biễn nặng phải chuyển lên tuyến trên để điều trị kịp thời.

Đồng thời cần tổ chức điều tra, xác định rõ nguyên nhân vụ việc. Tiến hành kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường Tiểu học - THCS - THPT Ischool Nha Trang; truy xuất nguồn gốc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm nghi ngờ để xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Cần xử lý nghiêm nếu có các vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu đình chỉ hoạt động tạm thời bếp ăn Trường Tiểu học - THCS - THPT Ischool Nha Trang cho đến khi có kết quả điều tra xác định nguyên nhân và chỉ được hoạt động trở lại khi đã đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.

Đồng thời, Cục đề nghị ngành Y tế Khánh Hòa tăng cường thông tin, tuyên truyền, giáo dục về kiến thức an toàn thực phẩm và các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm; công tác kiểm tra, hướng dẫn công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn trường học về điều kiện an toàn thực phẩm.

Kiểm soát chặt chẽ việc bảo đảm vệ sinh cá nhân, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, bảo quản đối với các thực phẩm ăn ngay cung cấp cho học sinh, chỉ cho phép sử dụng sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo quản ở điều kiện phù hợp theo yêu cầu.

Được biết, sau khi ăn bữa cơm trưa ngày 17/11 tại trường, nhiều em xuất hiện các triệu chứng đau bụng, khó chịu, tiêu chảy nhiều lần, sốt, buồn nôn, nôn... nên được đưa đến các bệnh viện trong TP. Nha Trang. Ban đầu các bệnh viện điều trị cho hơn 100 em. Nhưng số học sinh nhập viện rải rác ngày càng tăng.

Qua báo cáo của Sở Y tế Khánh Hòa, thống kê đến trưa 20/11, tổng số ca nhập viện điều trị nội trú là 360 ca. Tổng số ca đã xuất viện là 93 ca. Tổng số ca đang điều trị tại các bệnh viện ở Nha Trang là 266 ca.

Trong số các em đang điều trị, có 21 trường hợp nặng, cần phải theo dõi tích cực. Nhiều nhất là Bệnh viện 22-12 (15 ca). Các bệnh nhân đau bụng nhiều, đi cầu lỏng nhiều lần, sốt, công thức máu bạch cầu tăng cao, CRP tăng cao, 1 ca có dịch màng bụng, giảm tiểu cầu.

Đối với một trường hợp đã tử vong ngày 20/11 được xác định là em L.Z.X (sinh năm 2016, học lớp 1). Bệnh nhân này nhập viện ngày 18/11 trong tình trạng nôn ói nhiều, mệt, đau bụng. Đến chiều tối 19/11, bệnh nhân mệt, lơ mơ, co giật, tím và được các bác sĩ hồi sức tích cực.

Đến sáng 20/11, bệnh nhân li bì, sốt 39 độ, huyết áp và nhịp tim phụ thuộc vận mạch, thở máy ống nội khí quản, dấu hiệu suy đa phủ tạng… Trên đường chuyển viện vào TP.Hồ Chí Minh thì bệnh nhân tử vong.

Hiện Sở Y tế Khánh Hòa đã phối hợp với nhà trường kiểm tra, xác định nguyên nhân ngộ độc thực phẩm, tích cực điều trị, phục hồi sức khỏe cho các em học sinh.

Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Khánh Hòa đã phối hợp cùng các đơn vị chức năng kiểm tra đơn vị cung cấp các suất ăn cho Trường Ischool Nha Trang là hộ kinh doanh Bùi Phúc Lam (đường Hai Bà Trưng, Nha Trang).

Các mẫu xét nghiệm đã được gửi đến Viện Pasteur Nha Trang để xác định nguyên nhân độc tố. Dự kiến đến ngày 23/11 sẽ có kết quả.

Theo các chuyên gia y tế, ngộ độc thực phẩm còn được gọi là bệnh do thực phẩm, là bệnh do ăn thực phẩm bị ô nhiễm. Các sinh vật truyền nhiễm bao gồm vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng, hoặc độc tố của chúng là những nguyên nhân phổ biến nhất gây ngộ độc thực phẩm.

Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm có thể bắt đầu trong vòng vài giờ sau khi ăn thực phẩm bị ô nhiễm, thường bao gồm buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy.

Ngộ độc thực phẩm có thể do những nguyên nhân sau đây: Vi khuẩn Staphylococcus aureus, khởi phát từ 1 đến 6 giờ sau khi ăn các loại thịt và rau đã chế biến sẵn, nước chấm, nước xốt. Có thể lây lan khi tiếp xúc với bàn tay, ho và hắt hơi.

Vi khuẩn Clostridium perfringens, khởi phát từ 8 đến 16 giờ sau khi ăn các loại thịt, món hầm và nước thịt, các món ăn không giữ đủ nóng hoặc thức ăn được làm lạnh quá lâu.

Vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) sinh độc tố ruột, khởi phát từ 10 đến 24 giờ sau khi ăn các loại thực phẩm thịt, rau, canh, uống nước bị nhiễm khuẩn.

Clostridium botulinum, còn gọi vi khuẩn lạp xưởng độc, khởi phát từ 12 đến 72 giờ sau khi ăn.

Shigella, còn gọi vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy do lỵ trực trùng, khởi phát từ 24 đến 48 giờ sau khi ăn các loại hải sản và sản phẩm sống, ăn liền. Có thể lây lan bởi một người xử lý thực phẩm bị nhiễm bệnh. Ngộ độc khởi phát từ 10-24 tiếng trở đi có khả năng do Escherichia coli.

Để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, chuyên gia lưu ý người dân cần rửa tay kỹ bằng nước xà phòng ấm trước và sau khi xử lý hoặc chuẩn bị thức ăn. Dùng nước xà phòng nóng để rửa thớt, đồ dùng nhà bếp và các bề mặt khác mà bạn sử dụng.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 10/2022, cả nước đã xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm, 37 người bị ngộ độc (tăng 1 vụ ngộ độc và tăng 15 người bị ngộ độc so với tháng 9). Như vậy, tính chung trong 10 tháng năm 2022, cả nước xảy ra 43 vụ ngộ độc thực phẩm, 581 người bị ngộ độc, trong đó có 11 người tử vong.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bo-y-te-ho-tro-tinh-khanh-hoa-xu-tri-vu-ngo-doc-thuc-pham-nghiem-trong-d178343.html