Bộ Y tế hướng dẫn cách ly bệnh viện vì COVID-19

Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn tổ chức cách ly y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh trong phòng, chống dịch COVID-19.

Cách ly nhằm khoanh vùng, cách ly tại chỗ toàn bộ khu vực có ca bệnh xác định mắc COVID-19 tại cơ sở khám, chữa bệnh để dập dịch triệt để, không để dịch lây lan sang các khu vực khác của cơ sở khám, chữa bệnh và cộng đồng.

Cách ly nhằm khoanh vùng, cách ly tại chỗ toàn bộ khu vực có ca bệnh xác định mắc COVID-19 tại cơ sở khám, chữa bệnh để dập dịch triệt để, không để dịch lây lan sang các khu vực khác của cơ sở khám, chữa bệnh và cộng đồng.

Hướng dẫn này áp dụng khi tổ chức và thiết lập cách ly từ 1 khoa, phòng trở lên hoặc cách ly toàn bộ bệnh viện.

Mục đích của việc cách ly nhằm khoanh vùng, cách ly tại chỗ toàn bộ khu vực có ca bệnh xác định mắc COVID-19 tại cơ sở khám, chữa bệnh để dập dịch triệt để, không để dịch lây lan sang các khu vực khác của cơ sở khám, chữa bệnh và cộng đồng.

Thời gian cách ly tối thiểu là 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc với ca bệnh cuối cùng tại khu vực cách ly và có hai lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Phân luồng cách ly

Theo hướng dẫn, khi phát hiện ca bệnh nhiễm COVID-19, cơ sở khám, chữa bệnh cần lập tức chuyển ca bệnh về khu cách ly hoặc buồng cách ly đã được thiết lập hoặc chuyển tới cơ sở khám chữa bệnh được phép thu dung, điều trị COVID-19.

Đối với bệnh nhân nội trú và người chăm sóc bệnh nhân nặng không có nguy cơ mắc COVID-19, cần chuyển sang các khoa, phòng khác không có nguy cơ nhiễm bệnh hoặc cơ sở khám, chữa bệnh khác.

Đối với bệnh nhân nội trú và người chăm sóc bệnh nhân nặng có nguy cơ mắc COVID-19 thì phải thực hiện cách ly tại chỗ.

Đối với cán bộ y tế, thực hiện cách ly ngay tại đơn vị để đảm bảo duy trì hoạt động khám, chữa bệnh. Trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh bố trí được khách sạn lưu trú ngoài thời gian làm việc cho cán bộ y tế thì thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định 1462/QĐ-BYT ngày 30/3/2020.

Với những trường hợp không có mặt tại cơ sở khám, chữa bệnh khi thiết lập vùng cách ly thì thông báo cho cá nhân đó để tư vấn theo dõi sức khỏe, xét nghiệm, điều trị theo quy định.

Đối với người chăm sóc bệnh nhân, nếu tiếp xúc gần với ca bệnh, thực hiện cách ly y tế tập trung tại cơ sở y tế do Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia hoặc cấp tỉnh quyết định. Nếu tiếp xúc với người tiếp xúc gần, tự theo dõi sức khỏe và cách ly tại nhà. Các trường hợp khác, tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi cư trú và hạn chế đến nơi công cộng.

Cách ly toàn bộ cơ sở khám chữa bệnh

Về quy mô, Bộ Y tế hướng dẫn, căn cứ vào kết quả điều tra dịch tễ để quyết định. Cụ thể 3 cấp độ cách ly được tính toán gồm: 1- Quy mô khoa, phòng (khi phát hiện tại khoa, phòng có từ một ca); 2- Quy mô liên khoa, phòng (khi ca bệnh tiếp xúc với người ở khoa, phòng khác liền kề hoặc trong cùng một khu vực); 3- Quy mô toàn bộ cơ sở khám, chữa bệnh (khi ca bệnh tiếp xúc với nhiều người thuộc nhiều khoa, phòng trong cơ sở khám, chữa bệnh hoặc không xác định được phạm vi và nguồn lây nhiễm).

Đối với quy mô toàn bộ cơ sở khám, chữa bệnh, Bộ Y tế nêu rõ, ngay sau khi ban hành quyết định cách ly toàn bộ cơ sở khám, chữa bệnh, thủ trưởng đơn vị phải thực hiện ngay việc ngừng hoạt động của khu vực khám bệnh ngoại trú, điều chuyển người bệnh đang điều trị không có nguy cơ mắc COVID-19 sang các cơ sở khám, chữa bệnh khác trên địa bàn.

Trong trường hợp các cơ sở khám, chữa bệnh khác không đủ điều kiện để điều trị các trường hợp đặc thù như chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng và một số trường hợp đặc biệt khác thì Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia hoặc cấp tỉnh quyết định cho phép cơ sở khám, chữa bệnh đó tiếp tục được điều trị cho bệnh nhân, đồng thời, cơ sở phải xây dựng và thực hiện quy trình đảm bảo phòng chống lây nhiễm COVID-19 trong quá trình vận chuyển bệnh nhân ra vào và điều trị hằng ngày.

Bên cạnh đó, thiết lập lại các khu vực chức năng của cơ sở khám, chữa bệnh cho phù hợp, đảm bảo thực hiện việc cách ly, không làm lây lan dịch bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh và ra ngoài cộng đồng, duy trì hoạt động khám, chữa bệnh nội trú, tiếp nhận và cấp cứu bệnh nhân nặng (nếu là cơ sở khám, chữa bệnh tuyến cuối và được Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho phép).

Bố trí trạm gác ở cổng hoặc các lối ra vào cơ sở khám, chữa bệnh. Trạm gác có bảo vệ trực 24/24 giờ do lực lượng công an và an ninh của cơ sở khám, chữa bệnh đảm nhiệm, tuyệt đối không cho phép những người không có nhiệm vụ ra vào. Những người được phép ra vào phải đo thân nhiệt; bố trí điểm rửa tay với xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay…

Tuệ Văn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/bo-y-te-huong-dan-cach-ly-benh-vien-vi-covid19/392024.vgp