Bộ Y tế hướng dẫn mới nhất về thi đua, khen thưởng trong ngành y

Hôm nay, 29/12/2023, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 25/2023/TT-BYT quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng trong ngành y tế. Tại Thông tư này đã quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể của Luật Thi đua, khen thưởng.

Theo đó, Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng trong ngành y tế quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể khoản 4 Điều 24, khoản 3 Điều 26, khoản 3 Điều 27, khoản 3 Điều 28, khoản 2 Điều 71, khoản 6 Điều 74, khoản 2 Điều 75 và khoản 6 Điều 84 của Luật Thi đua, khen thưởng.

Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng trong ngành y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành nêu rõ đối tượng áp dụng là các tập thể, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các tổ chức, cá nhân có thành tích, đóng góp trong sự nghiệp xây dựng, phát triển của ngành y tế và trong công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 25/2023/TT-BYT quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng trong ngành y tế.

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 25/2023/TT-BYT quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng trong ngành y tế.

Về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác thi đua, khen thưởng

Bộ trưởng Bộ Y tế phát động, chỉ đạo phong trào thi đua, công tác khen thưởng trong toàn ngành y tế; ký quyết định khen thưởng theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về công tác thi đua, khen thưởng trong ngành y tế.

Hội đồng Thi đua, khen thưởng Bộ Y tế có trách nhiệm:

Chủ trì hoặc phối hợp với thủ trưởng đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế tham mưu Bộ trưởng về chủ trương, nội dung, chương trình, kế hoạch, biện pháp tổ chức, phát động, chỉ đạo, tổng kết phong trào thi đua, công tác khen thưởng trong các lĩnh vực hoặc trong toàn ngành y tế;
Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, công tác khen thưởng; phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong ngành y tế;
Thẩm định hồ sơ đề nghị xét duyệt danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, trình Bộ trưởng để xét, tặng hoặc trình cấp có thẩm quyền xét, tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Công đoàn Y tế Việt Nam xây dựng kế hoạch và phối hợp với Bộ Y tế tổ chức các hoạt động phong trào do Công đoàn phát động; tổng kết các phong trào thi đua, đề xuất các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế khen thưởng.

Thủ trưởng đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm:

Chỉ đạo, tổ chức phát động phong trào thi đua, phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến; đề xuất khen thưởng;
Chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức phát động phong trào thi đua chuyên đề hằng năm trong phạm vi toàn ngành hoặc lĩnh vực thuộc Bộ Y tế, trong đó phải nêu rõ tiêu chuẩn khen thưởng cụ thể gửi về Thường trực Hội đồng thi đua, khen thưởng Bộ Y tế (Vụ Tổ chức cán bộ) trước khi tổ chức phong trào thi đua;
Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả phong trào thi đua và lựa chọn tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu để trình Bộ trưởng Bộ Y tế khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân khi đề nghị cấp có thẩm quyền xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của hồ sơ, tài liệu.

Tiêu chuẩn, đối tượng xét tặng "Cờ thi đua của Bộ Y tế"

Điều 5 của Thông tư nêu rõ, Danh hiệu "Cờ thi đua của Bộ Y tế" để tặng vào dịp kết thúc năm công tác hoặc kết thúc năm học (đối với các cơ sở đào tạo) cho tập thể dẫn đầu phong trào thi đua của cụm, khối thi đua do Bộ Y tế tổ chức và đạt các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Thi đua, khen thưởng.

Danh hiệu "Cờ thi đua của Bộ Y tế" cho các phong trào thi đua theo chuyên đề do Bộ Y tế phát động thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Thi đua, khen thưởng.

Đối tượng xét tặng danh hiệu "Cờ thi đua của Bộ Y tế" là các tập thể tiêu biểu, dẫn đầu phong trào thi đua của cụm, khối thi đua và phong trào thi đua theo chuyên đề do Bộ Y tế phát động, bao gồm:

Đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế;
Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Các đơn vị, tổ chức, hoạt động trong lĩnh vực y tế;
Khoa, phòng, ban và tương đương của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế.

Tiêu chuẩn, đối tượng xét tặng danh hiệu "Tập thể lao động xuất sắc"

Theo Điều 6 của Thông tư, danh hiệu "Tập thể lao động xuất sắc" được xét tặng cho tập thể đạt các tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Thi đua, khen thưởng.

Đối tượng xét tặng Danh hiệu "Tập thể lao động xuất sắc" là: Đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Khoa, phòng, ban và tương đương của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế.

Tiêu chuẩn, đối tượng xét tặng danh hiệu "Tập thể lao động tiên tiến"

Điều 7 của Thông tư này nêu rõ: Danh hiệu "Tập thể lao động tiên tiến" được xét tặng cho tập thể đạt các tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Thi đua, khen thưởng.

Đối tượng xét tặng Danh hiệu "Tập thể lao động tiên tiến" bao gồm: Đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Khoa, phòng, ban và tương đương của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế.

Về tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân", theo Thông tư 25 quy định: Cá nhân có thời gian công tác trong ngành y tế từ 20 năm trở lên đối với nam và 15 năm trở lên đối với nữ. Trường hợp cá nhân trực tiếp làm chuyên môn kỹ thuật có thời gian công tác trong các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, X-Quang, Giải phẫu bệnh, Pháp y, Pháp y tâm thần, Hồi sức, Cấp cứu - chống độc, Nhi, Y học cổ truyền; cá nhân chăm sóc người nhiễm HIV, người bệnh AIDS; cá nhân trực tiếp tiếp xúc với các hóa chất độc hại hoặc cá nhân công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ thì mỗi năm công tác tại chuyên ngành, địa bàn được quy đổi thành 01 năm 02 tháng;

Cá nhân ngoài ngành y tế và cá nhân người nước ngoài có đóng góp tác động rõ đến việc hoàn thành nhiệm vụ của ngành y tế, được tập thể công nhận và Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao, bao gồm: lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Bộ, Ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương; lãnh đạo của cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan thông tấn, báo chí; lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đóng góp trong việc quản lý, chỉ đạo góp phần thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; cá nhân có đóng góp lớn về vật chất, tinh thần cho ngành y tế; cá nhân người nước ngoài có đóng góp nổi bật cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; cá nhân có hành động dũng cảm hoặc có đóng góp trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thảm họa góp phần thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Về đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương đối với cá nhân công tác trong lĩnh vực dân số:

Cá nhân có đủ 12 năm liên tục trở lên làm công tác dân số tại cơ quan, tổ chức cấp huyện trở lên;
Cá nhân có đủ 10 năm liên tục trở lên làm công tác dân số tại xã, phường, thị trấn; trường hợp cá nhân công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ thì phải có đủ 08 năm liên tục trở lên;
Cộng tác viên dân số tại tổ dân phố, thôn, ấp, bản, buôn, làng, phum, sóc có đủ 08 năm liên tục trở lên làm công tác dân số; đối với cộng tác viên dân số công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ thì phải có đủ 06 năm liên tục trở lên;
Cá nhân có đủ 15 năm trở lên kiêm nhiệm công tác dân số;
Cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân số có đóng góp chỉ đạo thực hiện tốt mục tiêu, chỉ tiêu về dân số trong một nhiệm kỳ công tác trở lên.

Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" của Bộ trưởng Bộ Y tế tặng hoặc truy tặng cho cá nhân quy định tại các Điều 17 và Điều 25 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.

Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" của Bộ trưởng Bộ Y tế tặng một lần cho cá nhân có đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Trường hợp cá nhân bị xử lý kỷ luật, thời gian thi hành kỷ luật không được tính vào thời gian để xét tặng Kỷ niệm chương. Cá nhân đã được xét tặng Kỷ niệm chương ''Vì sự nghiệp dân số'' không đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương ''Vì sức khỏe nhân dân''.

Về tiêu chuẩn xét tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế

Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân, tặng cho tập thể thuộc thẩm quyền quản lý đạt các tiêu chuẩn theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 74 Luật Thi đua, khen thưởng.
Trong 01 năm không được đề nghị tặng quá 02 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho một tập thể hoặc một cá nhân (trừ trường hợp khen thưởng thành tích xuất sắc, đột xuất). Riêng đối với khen chuyên đề, mỗi năm không được đề nghị tặng quá 01 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Không khen thưởng cho tập thể, cá nhân khi tham gia tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, đối thoại, phục vụ sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội hoặc các hình thức tương tự.
Trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định.

Thông tin chi tiết về Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng trong ngành y tế mời bạn đọc theo dõi

TẠI ĐÂY

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-huong-dan-moi-nhat-ve-thi-dua-khen-thuong-trong-nganh-y-169231229113638367.htm