Bộ Y tế hướng dẫn việc mua sắm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế
Bộ Y tế đề nghị các cơ quan, đơn vị căn cứ quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật để chủ động, kịp thời thực hiện công tác mua sắm thuốc, thiết bị y tế bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế.
Bộ Y tế vừa có văn bản 3314/BYT-KH-TC gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc về việc triển khai công tác mua sắm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế.
Mua thêm tối đa 30% khối lượng của hạng mục tương ứng nêu trong hợp đồng gói thầu
Để bảo đảm việc mua sắm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế không bị gián đoạn, các cơ quan, đơn vị có thể thực hiện như sau:
Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho gói thầu đấu thầu rộng rãi, đàm phán giá với số lượng tùy chọn mua thêm tối đa 30% khối lượng của hạng mục tương ứng nêu trong hợp đồng. Trong trường hợp này, giá gói thầu không bao gồm giá trị của phần dự kiến mua thêm; việc áp dụng tùy chọn mua thêm thực hiện theo quy định tại khoản 8 Điều 39 Luật Đấu thầu và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Tổ chức lựa chọn nhà thầu trong năm này để mua sắm cho các năm tiếp theo theo quy định tại khoản 5 Điều 16 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP. Trong trường hợp này, văn bản trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải dự kiến dự toán mua sắm cho các năm sau làm cơ sở lập giá gói thầu.
Tổ chức lựa chọn nhà thầu với thời gian thực hiện hợp đồng dài hơn 01 năm theo quy định tại các khoản 1, 2 Điều 37 và khoản 3 Điều 39 Luật Đấu thầu. Trong trường hợp này, nguồn vốn có thể được xác định trên cơ sở dự toán mua sắm của năm ngân sách và dự kiến dự toán mua sắm của các năm ngân sách tiếp theo.
Đối với đấu thầu mua sắm vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế:
Việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT và Thông tư số 07/2024/TT-BKHĐT của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đối với đấu thầu mua sắm thuốc:
Việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 04/2024/TT-BYT, Thông tư số 05/2024/TT-BYT và Thông tư số 07/2024/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Việc đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 07/2024/TT-BKHĐT của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong việc thực hiện Thông tư số 04/2024/TT-BYT, Thông tư số 05/2024/TT-BYT và Thông tư số 07/2024/TT-BYT, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Y tế để được hướng dẫn.
Lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc tại cơ sở bán lẻ trong khuôn viên bệnh viện công
Cũng tại văn bản này, Bộ Y tế hướng dẫn việc tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở y tế công lập được thực hiện theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 07/2024/TT-BYT.
Theo đó đối với thuốc trong danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, cơ sở y tế công lập có thể thực hiện mua sắm theo một hoặc các cách sau:
Tính gộp số lượng thuốc cần mua để bán lẻ vào số lượng thuốc cần mua sắm, đấu thầu của cơ sở y tế và lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định;
Tách riêng số lượng thuốc cần mua để bán lẻ thành một hoặc một số gói thầu và lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định.
Khi áp dụng một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật Đấu thầu, cơ sở y tế phải bảo đảm đáp ứng quy định về điều kiện áp dụng và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP. Trong trường hợp này, cơ sở y tế cần lưu ý, giá trúng thầu đối với thuốc mua để bán lẻ không được cao hơn giá trúng thầu của thuốc có cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế, cùng tên thương mại với thuốc đã trúng thầu và cung ứng tại cơ sở y tế đó (bao gồm thuốc mua sắm tập trung và đàm phán giá).
Đối với thuốc không thuộc trường hợp trên, cơ sở y tế công lập tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình mà không yêu cầu bắt buộc phải thực hiện theo Luật Đấu thầu, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và Thông tư số 07/2024/TT-BYT./.