Bộ Y tế lên kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi
Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi và báo cáo Chính phủ. Khi được Chính phủ cho phép, Bộ Y tế sẽ làm việc với nhà cung ứng để có đủ vắc xin sớm nhất tiêm cho trẻ em.
GD&TĐ - Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi và báo cáo Chính phủ. Khi được Chính phủ cho phép, Bộ Y tế sẽ làm việc với nhà cung ứng để có đủ vắc xin sớm nhất tiêm cho trẻ em.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh về kế hoạch tiêm vắc xin năm 2022, Bộ Y tế đã triển khai tiêm bổ sung cho những đối tượng có nguy cơ như bị nhiễm HIV, suy thận, viêm gan B, xơ gan... mũi 3 sau khi đạt thời gian cần thiết (sau mũi 2).
Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới và nhận định của các nhà khoa học thì dịch Covid-19 chưa được kiểm soát trong năm 2021-2022 và có thể xuất hiện biến thể mới, như thời gian qua đã xuất hiện biến thể Omicron.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam đã bao phủ vắc xin Covid-19 đạt tỷ lệ mũi 1 cho người trưởng thành trên 99%, mũi 2 cho người trưởng thành trên 90%. Như vậy độ bao phủ vắc xin đảm bảo đạt miễn dịch cộng đồng.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, nhu cầu tiêm trong năm 2022 chủ yếu tiêm mũi bổ sung, mũi 3 nhắc lại và tiêm cho trẻ em cùng nguồn vắc xin mà cơ chế COVAX phân phối thêm cho Việt Nam trong quý I/2022 thì lượng vắc xin tiêm cho người trưởng thành Việt Nam đã đủ. Vì vậy, Việt Nam đang tiếp cận nguồn vắc xin tiêm cho trẻ em.
Để thực hiện tiêm cho các đối tượng là trẻ em, Bộ Y tế cho rằng cần có sự phối hợp của người dân, đặc biệt là các phụ huynh sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trước khi tiêm, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể để về việc tiêm hiệu quả nhất.
Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận tổng số hơn 195 triệu liều vắc xin và đã tiêm được hơn 154 triệu liều, tổng dân số bao phủ tiêm mũi 1 vắc xin gần 74%. Theo các nhà tài trợ, các tổ chức, đơn vị, các chính phủ nước ngoài đã cam kết tài trợ cho Việt Nam, nhà cung cấp vắc xin (đã được Bộ Y tế ký hợp đồng cung cấp vắc xin cho Việt Nam), tổng số nguồn vắc xin cung ứng và cả nguồn tài trợ cho Việt Nam là trên 227 triệu liều.
Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh nguồn cung vắc xin rất khó khăn và cạnh tranh trong tiếp cận vắc xin diễn ra rất gay gắt, nhất là trong lúc dịch bùng phát, kết quả trên có ý nghĩa rất thiết thực để Việt Nam có độ phủ vắc xin.