Bộ Y tế lên tiếng sau hàng loạt vụ bác sĩ bị tấn công khi đang cứu người
Trước hàng loạt vụ việc bác sĩ bị hành hung tại bệnh viện, Bộ Y tế lên tiếng cảnh báo và yêu cầu các địa phương phối hợp công an đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế.
Ngày 7/5, trao đổi với báo chí, TS. BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lí Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ việc đáng lo ngại liên quan đến an ninh tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Điển hình là vụ việc bác sĩ bị hành hung khi đang làm nhiệm vụ tại khoa Hồi sức cấp cứu ở Phú Thọ và mới đây nhất là tại Nam Định.
"Cho dù nguyên nhân là gì, hành vi hành hung nhân viên y tế, đặc biệt khi họ đang làm nhiệm vụ cứu người, là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Khi bác sĩ đang làm nhiệm vụ chuyên môn, cần phải đảm bảo an toàn tuyệt đối để họ hoàn thành công việc", ông Đức nhấn mạnh.
Ngay sau các sự việc trên, Bộ Y tế đã ban hành văn bản yêu cầu toàn ngành siết chặt công tác đảm bảo an ninh bệnh viện. Các Sở Y tế được yêu cầu chủ động phối hợp với công an địa phương nhằm bảo vệ nhân viên y tế trong khi thực hiện nhiệm vụ.

TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lí Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế).
Cụ thể, tại Phú Thọ, Sở Y tế đã làm việc với cơ quan điều tra và đến sáng 7/5, Bộ Y tế đã nhận được báo cáo sơ bộ từ công an tỉnh. Dù hành vi chưa đủ yếu tố truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan chức năng đã đề xuất xử phạt hành chính theo đúng quy định pháp luật.
Ngành y đang chịu áp lực nặng nề
Theo ông Hà Anh Đức, thực trạng mất an ninh trong bệnh viện không phải là mới, đã kéo dài trong nhiều năm với nguyên nhân đến từ cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Hệ thống khám chữa bệnh hiện nay đang chịu áp lực lớn khi mỗi năm tiếp nhận khoảng 200 triệu lượt người bệnh, tương đương gần 800.000 lượt mỗi ngày. Trong khi đó, nhân lực y tế chưa đáp ứng được nhu cầu.
"Ở một số bệnh viện đông bệnh nhân, người bệnh thường mong muốn được khám nhanh, kỹ lưỡng. Tuy nhiên, nhiều khi cơ sở y tế không thể đáp ứng kịp. Điều này tạo ra áp lực rất lớn, đôi khi dẫn đến việc cán bộ y tế ứng xử chưa tốt", ông Đức thừa nhận.
Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản quy định về đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử trong môi trường y tế với mục tiêu xây dựng mô hình lấy người bệnh làm trung tâm. Tuy nhiên, theo ông Đức, để đạt được điều đó, hệ thống y tế cũng cần sự chia sẻ, cảm thông từ phía người bệnh và cộng đồng.
Tăng cường phối hợp bảo vệ nhân viên y tế
Từ năm 2014, Bộ Y tế đã kí quy chế phối hợp với Bộ Công an về đảm bảo an ninh, trật tự trong cơ sở y tế. Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục yêu cầu giám đốc các bệnh viện tăng cường lực lượng bảo vệ, đặc biệt tại các khu vực dễ phát sinh căng thẳng như cấp cứu, hồi sức tích cực.
“Chúng tôi cũng sẽ báo cáo Chính phủ và tham mưu ban hành thêm các chính sách cụ thể trong phạm vi thẩm quyền của Bộ trưởng để tăng cường bảo vệ nhân viên y tế”, ông Đức cho biết.
Bên cạnh yếu tố chuyên môn, vấn đề viện phí cũng được nhìn nhận là nguyên nhân dẫn đến xung đột. Theo quy định của Luật Khám, chữa bệnh, viện phí được thu theo quy định rõ ràng. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều bệnh nhân gặp khó khăn tài chính.

Nhân viên y tế bị hành hung
"Với những trường hợp đặc biệt, Phòng Công tác xã hội tại các bệnh viện sẽ đứng ra kết nối, kêu gọi hỗ trợ từ mạnh thường quân. Ngoài ra, Nghị định 60 về tự chủ tài chính cũng cho phép các bệnh viện thành lập quỹ hỗ trợ nhân viên y tế trong trường hợp người bệnh không có khả năng chi trả hoặc không may tử vong", Cục trưởng Cục Quản lí Khám, chữa bệnh nói.
Giảm áp lực, nâng chất lượng khám chữa bệnh
Mục tiêu sắp tới của ngành là giảm tối đa các áp lực không cần thiết cho cả người bệnh và nhân viên y tế. Theo đại diện Bộ Y tế, để làm được điều đó, cần một hệ thống giải pháp đồng bộ.
Trước hết, quy trình đón tiếp tại các cơ sở y tế phải được chuyên nghiệp hóa để giảm căng thẳng ngay từ ban đầu. Thứ hai, nhân viên y tế cần được đào tạo bài bản hơn về kỹ năng giao tiếp, xử lí tình huống. Thứ ba, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng phải thật sự kịp thời và hiệu quả trong việc bảo vệ đội ngũ tuyến đầu.
“Mọi chính sách và giải pháp phải hướng đến việc lấy người bệnh làm trung tâm. Riêng về cơ chế tài chính, các đơn vị cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh để tạo ra sự thông thoáng, giảm bớt rào cản cho người bệnh”, ông Hà Anh Đức khẳng định.