Bộ Y tế nêu lý do chưa công bố hết dịch COVID-19
Tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc phải hoặc tiêm chủng vắc-xin đang giảm dần theo thời gian
Mới đây, tại buổi thảo luận tổ ở Quốc hội, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đề nghị Chính phủ tuyên bố Việt Nam kết thúc đại dịch COVID-19 để sang giai đoạn chống dịch mới với quy định cụ thể, thay thế các chỉ thị, hướng dẫn trước đây.
Trước ý kiến trên, GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết nếu tuyên bố hết đại dịch, Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức lớn như bị động khi xuất hiện biến chủng nguy hiểm và có tâm lý chủ quan trong phòng chống dịch.
"Khi công bố hết dịch, việc huy động chính quyền các cấp, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, người dân tham gia phòng chống dịch sẽ không còn được quan tâm đúng mức. Như vậy, người dân có thể có tâm lý chủ quan, lơ là. Việc kích hoạt áp dụng trở lại các biện pháp hành chính, xã hội khi cần sẽ bị động. Trong khi đó, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới với, có thể xuất hiện biến chủng SARS-CoV-2 mới nguy hiểm hơn"- GS Lân nói.
Ngoài ra, khi công bố hết dịch, các cơ chế, chính sách đặc thù trong phòng chống dịch sẽ không được áp dụng như nghiên cứu, sản xuất hoặc mua, tiếp nhận, cấp phép, sử dụng vắc-xin, trang thiết bị y tế, thuốc và sinh phẩm y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân... trong tình trạng khẩn cấp, ảnh hưởng đến triển khai các biện pháp phòng chống.
Theo ông Lân, hiện nay tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, chưa ổn định và khó dự đoán; miễn dịch đáp ứng do mắc phải hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Đặc biệt, virus SARS-CoV-2 liên tục có sự biến đổi với các biến thể mới, biến thể phụ của virus tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ khả năng làm tăng nặng, tử vong.
Do đó, Ủy ban Khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức họp định kỳ 3 tháng/lần để đánh giá tình hình dịch COVID-19 trên toàn cầu và có những khuyến cáo đối với các quốc gia thành viên.
Cuộc họp gần nhất, lần thứ 13 diễn ra vào ngày 13-10, Ủy ban Khẩn cấp WHO đánh giá "thế giới vẫn trong tình trạng đại dịch COVID-19." Các nước được khuyến cáo tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát và mở rộng năng lực điều trị, vắc-xin cho nhóm nguy cơ cao, đồng thời tiếp tục cập nhật kế hoạch chuẩn bị và ứng phó.
"Việt Nam là nước thành viên có trách nhiệm của WHO. Do đó các hoạt động phòng chống dịch hiệu quả của Việt Nam góp phần vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó và ngăn chặn đại dịch"- GS Lân giải thích.
Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ, các tổ chức quốc tế, cùng các chuyên gia, các nhà khoa học theo dõi chặt chẽ và thường xuyên đánh giá tình hình dịch COVID-19. Trong trường hợp tình hình dịch COVID-19 diễn biến ổn định, có thể dự báo và kiểm soát được, các biện pháp phòng chống dịch sẽ được Bộ Y tế kịp thời điều chỉnh nhằm chủ động đáp ứng với dịch COVID-19 và bảo đảm sức khỏe người dân.
Liên quan đến nội dung này, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, cho rằng chưa thể công bố hết dịch.
Theo PGS Phu hiện nay WHO vẫn đánh giá COVID-19 là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp. Trên thế giới, dịch bệnh này vẫn rất phức tạp, khó lường và có thể xuất hiện biến chủng khó dự báo. Hơn nữa trong tình huống xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin hoặc giảm miễn dịch sẽ khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên. Lúc này, dịch có nguy cơ bùng phát, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
PGS Phu cho biết thời gian qua nước ta ghi nhận số ca mắc và bệnh nhân nặng giảm mạnh nhưng điều này là do hiệu lực của vắc-xin COVID-19. Sau 4-6 tháng, vắc-xin giảm hiệu lực, lúc này COVID-19 vẫn là một nỗi lo hiện hữu.
"Việt Nam cần đánh giá nguy cơ, tình hình dịch và nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó. Trong giai đoạn này, chúng ta đã chuyển từ cấm đoán sang kiểm soát rủi ro, nới lỏng đồng bộ nhưng vẫn cần dự phòng đồng bộ, nới lỏng nhưng không vì thế mà buông trôi, thả lỏng. Dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài, có thể còn ca nặng, vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục bảo vệ nhóm nguy cơ như người già, bệnh nền, suy giảm miễn dịch..."- PGS Phu khuyến cáo.
Đại diện Bộ Y tế cho biết hiện nay, các biện pháp phòng chống dịch đã bảo đảm sự linh hoạt theo diễn biến dịch. Khi dịch bùng phát trở lại ở địa phương nào đó thì các biện pháp ứng phó nghiêm ngặt sẽ được nhanh chóng áp dụng trở lại, kể cả biện pháp 5K.