Bộ Y tế phổ biến một loạt chính sách BHYT mới thuận lợi cho người bệnh

Sáng 2-1, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến tới hơn 300 điểm cầu trong toàn quốc phổ biến Thông tư 01/2025/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).

Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nêu rõ, Thông tư 01/2025/TT-BYT có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, đồng thời đồng bộ với các quy định mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHYT.

"Thông tư là văn bản quan trọng hướng dẫn việc đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển cơ sở khám, chữa bệnh BHYT cho hơn 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để triển khai hiệu quả chính sách BHYT trong giai đoạn mới", Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.

 Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chủ trì hội nghị

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chủ trì hội nghị

Làm rõ thêm về nội dung và điểm mới của Thông tư 01/2025/TT-BYT, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, trong Thông tư 01/2025/TT-BYT, Bộ Y tế ban hành danh mục một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được 100% mức hưởng theo phạm vi, quyền lợi người bệnh được lên thẳng cơ sở khám, chữa bệnh cấp chuyên sâu, không phải có phiếu chuyển cơ sở khám, chữa bệnh.

Trong đó, bao gồm danh mục 62 bệnh, nhóm bệnh hiếm, hiểm nghèo được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh cấp chuyên sâu; danh mục 167 bệnh, nhóm bệnh được khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh cấp cơ bản; danh mục 141 bệnh, nhóm bệnh được chuyển cơ sở khám, chữa bệnh trong thời hạn 1 năm kể từ ngày ký phiếu chuyển thay cho việc giấy chuyển hết giá trị sử dụng khi kết thúc năm dương lịch.

Theo bà Trần Thị Trang, đây là quy định đặc biệt có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để người bệnh được tiếp cận và điều trị kịp thời một số bệnh cần chuyên môn sâu mà cơ sở cấp cơ bản, cấp ban đầu chưa đủ điều kiện triển khai, góp phần giảm thủ tục chuyển cơ sở khám, chữa bệnh cho người bệnh, giảm chi phí di chuyển, vận chuyển người bệnh, tiết kiệm được những chi phí cần phải thực hiện ở tuyến dưới chỉ để chuyển người bệnh lên tuyến trên và các chi phí khác liên quan đến thân nhân người bệnh trong quá trình chăm sóc, điều trị. Qua đó góp phần làm giảm chi tiền túi của hộ gia đình liên quan đến khám, chữa bệnh, đồng thời góp phần sử dụng quỹ BHYT hiệu quả.

 Người bệnh có BHYT sẽ thuận lợi hơn khi đi khám, chữa bệnh

Người bệnh có BHYT sẽ thuận lợi hơn khi đi khám, chữa bệnh

Quy định danh mục các bệnh, nhóm bệnh và các trường hợp được chuyển cấp ban đầu để quản lý và được hưởng các quyền lợi về thuốc, thiết bị y tế theo chỉ định chuyên môn của cơ sở cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn. Quy định này vừa bảo đảm quyền lợi của người bệnh được quản lý, theo dõi bệnh và sử dụng thuốc, thiết bị y tế mới, có chất lượng và hệ thống y tế cơ sở có điều kiện hơn để phát triển chuyên môn kỹ thuật.

Cùng với đó, Thông tư 01/2025/TT-BYT cũng quy định trường hợp lưu trú và thủ tục khám, chữa bệnh BHYT khi thay đổi nơi lưu trú, tạm trú nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, sinh viên trong thời gian nghỉ hè, đối tượng người lao động trong thời gian nghỉ phép tại gia đình. Theo đó, người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng khi khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh BHYT cấp ban đầu, cấp cơ bản khác nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu không phân biệt địa giới hành chính.

Năm 2024, tỷ lệ bao phủ BHYT ước đạt khoảng 94% dân số; số lượt khám, chữa bệnh BHYT khoảng trên 180 triệu lượt với số chi ước khoảng 142.000 tỷ đồng.

KHÁNH NGUYỄN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bo-y-te-pho-bien-mot-loat-chinh-sach-bhyt-moi-thuan-loi-cho-nguoi-benh-post775959.html