Bộ Y tế quy định tiêu chí bổ nhiệm Viện trưởng lĩnh vực y tế dự phòng, kiểm định, kiểm nghiệm

Tại quyết định quy định tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Y tế đã đưa ra tiêu chuẩn bổ nhiệm cụ thể đối với đơn vị y tế dự phòng, đơn vị nghiên cứu, đơn vị kiểm định, kiểm nghiệm...

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan vừa ký quyết định quy định tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ Y tế. Theo đó, về tiêu chuẩn bổ nhiệm chung các chức danh Viện trưởng, Phó Viện trưởng và tương đương; hay trưởng, phó khoa/phòng gồm có: chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật.

Về năng lực và uy tín, quyết định của Bộ Y tế nêu rõ để được bổ nhiệm các vị trí trong cơ sở khám chữa bệnh cần có tư duy đổi mới, có tầm nhìn, phương pháp làm việc khoa học; có năng lực tổng hợp, phân tích và dự báo; có khả năng phát hiện những mâu thuẫn, thách thức, thời cơ, thuận lợi, vấn đề mới, khó và những hạn chế, bất cập trong thực tiễn;

Mạnh dạn đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để phát huy, thúc đẩy hoặc tháo gỡ; có năng lực thực tiễn, nắm chắc và hiểu biết cơ bản tình hình thực tế để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công; cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và vì nhân dân phục vụ;

Có khả năng lãnh đạo, chỉ đạo; gương mẫu, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của tập thể, cá nhân; được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tin tưởng, tín nhiệm.

Các nhà khoa học Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nghiên cứu khoa học

Các nhà khoa học Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nghiên cứu khoa học

Về tiêu chuẩn bổ nhiệm cụ thể đối với đơn vị y tế dự phòng, đơn vị nghiên cứu, đơn vị kiểm định, kiểm nghiệm như sau:

Tiêu chuẩn để được bổ nhiệm Viện trưởng và tương đương

Trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp tiến sĩ hoặc tốt nghiệp chuyên khoa cấp II, có ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực, công việc đảm nhiệm.

Trình độ lý luận chính trị: Tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc cử nhân chính trị hoặc có xác nhận tương đương cao cấp lý luận chính trị của cấp có thẩm quyền.

Kinh nghiệm trong công tác, quản lý: Đã và đang giữ chức vụ cấp phó đơn vị hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 02 năm.

Tiêu chuẩn để được bổ nhiệm Phó Viện trưởng và tương đương

Trình độ chuyên môn:

Phụ trách chuyên môn: Tốt nghiệp tiến sĩ hoặc tốt nghiệp chuyên khoa cấp II, có ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực, công việc đảm nhiệm;
Phụ trách kinh tế: Tốt nghiệp đại học trở lên thuộc nhóm ngành kinh tế, tài chính, kế toán - kiểm toán; tốt nghiệp đại học khác phải có chứng chỉ quản lý kinh tế - tài chính (thời gian học từ 6 tháng trở lên).

Trình độ lý luận chính trị: Tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc cử nhân chính trị hoặc có xác nhận tương đương cao cấp lý luận chính trị của cấp có thẩm quyền.

Kinh nghiệm trong công tác, quản lý: Đã và đang giữ chức vụ cấp trưởng khoa/phòng hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 02 năm.

Tiêu chuẩn để được bổ nhiệm Trưởng khoa/phòng

Trình độ chuyên môn:

Khoa/phòng khối chuyên môn: Tốt nghiệp thạc sĩ hoặc tốt nghiệp chuyên khoa cấp I trở lên, có ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực, công việc đảm nhiệm;
Khoa/phòng khối hành chính (chức năng): Tốt nghiệp đại học trở lên, có chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực, công việc đảm nhiệm.

Trình độ lý luận chính trị: Tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị trở lên.

Kinh nghiệm trong công tác, quản lý: Đã và đang giữ chức vụ cấp phó trưởng khoa/phòng hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 02 năm.

Về tiêu chuẩn để được bổ nhiệm Phó Trưởng khoa/phòng

Trình độ chuyên môn:

Khoa/phòng khối chuyên môn: Tốt nghiệp thạc sĩ, hoặc tốt nghiệp chuyên khoa cấp I trở lên, có ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực, công việc đảm nhiệm;
Khoa/phòng khối hành chính: Tốt nghiệp đại học trở lên, có ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực, công việc đảm nhiệm.

Trình độ lý luận chính trị: Tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị trở lên.

Kinh nghiệm trong công tác, quản lý: Đã và đang công tác trong lĩnh vực, công việc đảm nhiệm ít nhất là 03 năm (không tính thời gian tập sự).

Quyết định của Bộ Y tế nêu rõ, căn cứ Điều 4 Quyết định 1289/QĐ-BYT năm 2024, thời hạn giữ chức vụ quản lý cho mỗi lần bổ nhiệm tại đơn vị sự nghiệp công lập được quy định như sau:

Thời hạn giữ chức vụ quản lý cho mỗi lần bổ nhiệm là 05 năm, tỉnh từ thời điểm quyết định bổ nhiệm có hiệu lực, trừ trường hợp thời hạn dưới 05 năm theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Viên chức quản lý có thể được bổ nhiệm lại với số lần không hạn chế để giữ một chức vụ quản lý, trừ trường hợp có quy định khác của Đảng hoặc của pháp luật chuyên ngành.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-quy-dinh-tieu-chi-bo-nhiem-vien-truong-linh-vuc-y-te-du-phong-kiem-dinh-kiem-nghiem-16924060515322691.htm