Bộ Y tế trả lời kiến nghị của cử tri về việc bỏ giấy chuyển tuyến khi đi khám chữa bệnh
Cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị Bộ Y tế xem xét, bỏ giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Bởi thủ tục chuyển tuyển, cấp giấy chuyển tuyến còn gây phiên hà cho người bệnh, thậm chí có trường hợp phát sinh tiêu cực, gây bức xúc cho người dân…
Phản hồi về vấn đề này, Bộ Y tế cho biết căn cứ vào năng lực chuyên môn và khả năng đáp ứng của các cơ sở y tế, người bệnh sẽ được điều trị tại cơ sở phù hợp.
Trường hợp bệnh lý vượt quá khả năng của tuyến dưới, cơ sở sẽ chuyển người bệnh lên tuyến trên để tiếp tục điều trị.
Tương tự, nếu người bệnh điều trị tại tuyến trên đã ổn định, nhưng cần tiếp tục theo dõi, cơ sở y tế có thể chuyển bệnh nhân về tuyến dưới để tiếp tục điều trị và chăm sóc.
Trong các trường hợp này, giấy chuyển tuyến có vai trò quan trọng, không chỉ cung cấp thông tin cần thiết như lý do chuyển tuyến, tình trạng bệnh, lịch sử điều trị, mà còn là căn cứ để xác định quyền lợi, và mức hưởng bảo hiểm y tế của người bệnh, bảo đảm quyền lợi bảo hiểm y tế.
Theo Bộ Y tế, trong quá trình thực hiện thủ tục chuyển tuyến và cấp giấy chuyển tuyến, người bệnh có thể gặp phải một số vướng mắc, bất cập, thậm chí có trường hợp phát sinh tiêu cực.
Việc thực hiện thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh giữa tuyến xã, phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến huyện từ ngày 1/1/2016, và thông tuyến tỉnh trên toàn quốc đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nội trú từ ngày 1/1/2021 cũng gây ra tình trạng quá tải ở tuyến trên, giảm hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở.
“Việc bỏ quy định về giấy chuyển tuyến có thể dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến Trung ương, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và mất cân đối quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế”, Bộ Y tế nêu rõ.
Trong khi đó, các cơ sở tuyến Trung ương được giao chức năng tuyến cuối, tập trung điều trị bệnh nặng, triển khai kỹ thuật chuyên sâu, nghiên cứu khoa học, đào tạo, nên không thể tập trung vào khám và điều trị các bệnh lý thông thường, chăm sóc ban đầu.
Đặc biệt, việc quá tải cũng có nguy cơ gây sai sót, tai biến, giảm chất lượng và hiệu quả điều trị, ảnh hưởng đến người bệnh.
Vì vậy, Bộ Y tế mong cử tri thấu hiểu và ủng hộ quy định về giấy chuyển tuyến để góp phần hạn chế tình trạng quá tải bệnh viện, tăng cường hiệu quả hoạt động và chất lượng điều trị của các bệnh viện.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, khi trả lời đại biểu Quốc hội về kiến nghị bỏ giấy chuyển viện, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết vai trò của giấy chuyển viện rất cụ thể, ghi rõ tình trạng lịch sử điều trị cũng như bệnh án. Vì vậy, khi chuyển tuyến dù là giấy hay điện tử cũng rất cần thiết.
Lãnh đạo Bộ Y tế khi đó nhấn mạnh việc giảm thủ tục gây phiền hà cho người dân khi đi khám chữa bệnh, cần đảm bảo sự bền vững của hệ thống y tế, tránh quá tải, dồn lên tuyến trên.
Để giảm thủ tục hành chính, Bộ Y tế đang triển khai các công việc liên quan để thực hiện việc chuyển tuyến điện tử.
Theo đó, trong năm 2024, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, triển khai tích hợp giấy chuyển tuyến, và giấy hẹn khám lại trên các ứng dụng VNeID (ứng dụng định danh điện tử), VssID (Bảo hiểm xã hội số).
Khi 2 loại giấy tờ này được tích hợp trên ứng dụng VNeID, VssID, người bệnh khi làm thủ tục chuyển tuyến, hoặc tái khám chỉ cần xuất trình giấy chuyển tuyến điện tử, hoặc giấy hẹn khám lại điện tử trên ứng dụng VNeID hoặc VssID (có tích hợp sẵn mã QR).
Việc triển khai giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế điện tử sẽ giúp công khai, minh bạch trong công tác chuyển tuyến, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi, tiện ích cho người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh khi tiếp nhận, làm các thủ tục chuyển tuyến hay tái khám.