Bộ Y tế triển khai phòng, chống bệnh tay chân miệng
Trước tình trạng dịch bệnh tay chân miệng (TCM) đang diễn biến phức tạp, đồng thời triển khai Công điện của Thủ tướng Chính phủ, hôm nay (18/8), Bộ Y tế đã chỉ thị yêu cầu Sở Y tế các tỉnh thành phố giám sát, xử lý ổ dịch triệt để, không để dịch bệnh lan rộng kéo dài.
Theo thống kê của Bộ Y tế, 8 tháng đầu năm 2011, trong số 32.588 trường hợp mắc bệnh TCM tại 52 tỉnh thành, đã có 81 trường hợp tử vong.
Các trường hợp mắc và tử vong do TCM từ đầu năm đến nay vẫn tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam, chiếm 79,3% số mắc và 91,1% số tử vong của cả nước. Cụ thể, tính đến ngày 5/8, TP. Hồ Chí Minh có 22 trường hợp tử vong, Đồng Nai 16, Bình Dương 7, Long An 6, Bà Rịa – Vũng Tàu 6, Quảng Ngãi 5... So với cùng kỳ năm 2010, số người mắc bệnh TCM trên cả nước tăng 4,6 lần. Các trường hợp tử vong xảy ra chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi (>96%).
Sẵn sàng cơ số thuốc, phương tiện điều trị
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh TCM có hiệu quả, hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong, không để dịch lớn xảy ra, Bộ Y tế chỉ thị các trung tâm y tế dự phòng tích cực tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, làm sạch nền nhà, bề mặt bàn ghế, đồ chơi, vật dụng của trẻ trong các hộ gia đình, nhóm trẻ tập trung, nhà trẻ, mẫu giáo bằng nước xà phòng, hóa chất khử khuẩn thông thường hoặc Chloramin B.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh, giữ bàn tay sạch, rửa tay cho trẻ, người chăm sóc trẻ để người dân hiểu tích cực thực hiện vệ sinh phòng bệnh. Giám sát các hộ gia đình, cơ sở trường học sử dụng đúng các hóa chất khử khuẩn để phòng chống dịch. Nghiêm cấm đưa tin thiếu chính xác gây hoang mang trong cộng đồng, ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển kinh tế xã hội.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn sẵn sàng cơ số thuốc, phương tiện cấp cứu, điều trị bệnh nhân.
Lập các đoàn công tác đi địa phương
Theo thông tin Bộ Y tế vừa cung cấp, Bộ đã thành lập 10 đoàn công tác đi kiểm tra giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống TCM tại 25 tỉnh, thành phố trong tháng 8/2011.
Trước đó, trong tháng 6,7/2011, Bộ Y tế cũng đã cử nhiều đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống TCM tại các địa phương: TP. Hồ Chí Minh, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Hải Dương, Hưng Yên và Thanh Hóa.
Cấp phát 15.260 kg Chloramin B cho cơ sở
Để phục vụ công tác phòng chống bệnh dịch TCM, đã có 15.260 kg Chloramin B được cấp phát cho các Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Pasteur Nha Trang và các địa phương.
Hiện cũng đã có 32 tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống bệnh TCM 6 tháng cuối năm 2011.
Đồng thời, tại 19 tỉnh, thành phố cũng đã tổ chức 84 lớp tập huấn về giám sát, phòng chống bệnh TCM cho cán bộ y tế dự phòng tỉnh, huyện, xã, giáo viên mầm non.
Bộ Y tế hướng dẫn các biện pháp phòng chống lây lan dịch TCM
Các biện pháp dự phòng:
+ Tuyên truyền giáo dục rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là ở nhà trẻ, mẫu giáo về tầm quan trọng của giữ gìn vệ sinh, như vệ sinh răng miệng, rửa tay trước, sau khi nấu ăn, chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh, đặc biệt là mỗi lần thay tã cho trẻ; ăn chín, uống sôi.
+ Vệ sinh phòng dịch: Trẻ mắc bệnh không đến lớp đến khi hết loét miệng và các phỏng nước. Khi có từ 2 trẻ trở lên trong một lớp bị mắc bệnh trong vòng 7 ngày, thì cho lớp nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng.
+ Khi trẻ đến lớp có sốt, loét miệng, phỏng nước phải thông báo cho gia đình và cơ quan y tế.
+ Hằng ngày làm sạch dụng cụ học tập, đồ chơi và các dụng cụ khác bằng Chloramin B 2%. Dụng cụ ăn uống như bát, đũa, cốc; ngâm, tráng nước sôi trước khi ăn, sử dụng.
Biện pháp chống dịch:
+ Bệnh nhân phải được cách ly, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác.
+ Phân và các chất thải của bệnh nhân phải được khử khuẩn bằng chloramin B; quần áo, chăn màn dụng cụ của bệnh nhân phải được khử khuẩn bằng đun sôi, ngâm dung dịch chloramin B 2%;
+ Người chăm sóc bệnh nhân: thực hành vệ sinh cá nhân, đặc biệt rửa tay ngay khi thay tã cho trẻ. Hạn chế hôn, sử dụng chung các dụng cụ với trẻ bệnh.
+ Khi trẻ còn triệu chứng bệnh tay - chân - miệng, không cho trẻ tham gia các hoạt động, gặp gỡ đông trẻ em khác như đến lớp, đi bơi,...
+ Theo dõi các biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước đối với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em để thông báo cho cơ quan y tế.
+ Chưa có vaccin phòng bệnh.