Bộ Y tế và các tỉnh Tây Nguyên phát động tiêm chủng bạch hầu

Để ngăn chặn bệnh bạch hầu tại Tây Nguyên, Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp, như cách ly các ổ dịch, truy vết các trường hợp dương tính...

Chiều 9/7, tại thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, Bộ Y tế, UBND và sở Y tế các tỉnh Tây Nguyên phối hợp phát động chiến dịch tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu trong toàn khu vực, nhằm ứng phó với tình hình các ca bệnh bạch hầu tăng nhanh.

 Bộ Y tế và các tỉnh Tây Nguyên phát động tiêm chủng bạch hầu.

Bộ Y tế và các tỉnh Tây Nguyên phát động tiêm chủng bạch hầu.

Tiến sĩ Đặng Quang Tấn Cục trưởng Cục y tế dự phòng, cho biết, sẽ có hơn 10 triệu liều vaccine được tiêm trong suốt kế hoạch, đủ tạo miễn dịch bạch hầu bền vững cho Tây Nguyên: "Vaccine dành cho kế hoạch này không thiếu vì Việt Nam đã sản xuất được vaccine. Chúng tôi rất kỳ vọng, việc tiêm phòng vaccine ở bốn tỉnh Tây Nguyên sẽ được thực hiện theo đúng kế hoạch và đạt được độ bao phủ trên 90% có quy mô cấp thôn xóm, để tạo ra miễn dịch lâu dài trong các buôn làng đối với bệnh bạch hầu".

Trước lễ phát động tiêm chủng, đoàn công tác của Bộ Y Tế đã làm việc cùng lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên về tình hình dịch bạch hầu, với hơn 70 trường hợp mắc bệnh ở 10 thôn làng thuộc 4 tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, 3 trường hợp đã tử vong. Phổ tuổi mắc bạch hầu là từ 3 đến 60 tuổi.

Tiến sỹ Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho rằng, việc phòng chống bạch hầu ở Tây Nguyên không khó về mặt dịch tễ hay điều trị, mà khó do đặc thù cư dân, với nhiều điểm dân cư rất tách biệt, thường xuyên vắng nhà, ngại gặp cán bộ, cán bộ y tế phải đi tìm dân để thuyết phục tiêm chủng. Để đạt tỷ lệ tiêm chủng bạch hầu theo đúng kế hoạch, Tiến sỹ Viên Chinh Chiến cho rằng, cần có sự giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền các địa phương.

Cùng ngày 9/7, đoàn công tác của Bộ Y tế do Quyền Bộ trưởng GS.TS Nguyễn Thanh Long đã làm việc tại tỉnh Gia Lai, bàn các biện pháp khẩn cấp dập tắt dịch bệnh bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên.

Phân tích về nguy cơ dịch bệnh, Tiến sĩ Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục y tế dự phòng, cho biết, thực tế các buôn làng có dịch đều là buôn làng vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. "Khi chúng tôi đi thực tế thì thấy điều kiện đi lại rất kho khăn. Các làng không có phương tiện thuận lợi để đi lại. Khi cán bộ y tế đến thì bà con thường xuyên không có nhà, khó cho công tác tiêm chủng. Bên cạnh đó thì việc các làng thường tâp trung cầu kinh, ở các nhà liền kề, cũng là môi trường rất dễ để các ca có trùng bạch hầu lây lan trong cộng đồng".

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền bộ trưởng Bộ Y Tế động viên các em nhỏ đi tiêm chủng.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền bộ trưởng Bộ Y Tế động viên các em nhỏ đi tiêm chủng.

Trong số các tỉnh Tây Nguyên, Đăk Nông có số ca bạch hầu nhiều nhất, với 28 trường hợp, tiếp đó là Kon Tum, 24 trường hợp.

Để ngăn chặn bệnh bạch hầu các tỉnh Tây Nguyên, Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp, như cách ly các ổ dịch, truy vết các trường hợp dương tính, điều trị tích cực các trường hợp đã mắc, tổ chức cho uống kháng sinh, tiêm phòng cho hơn 10 nghìn người dân ở các thôn làng có phát sinh bạch hầu.

Riêng tỉnh Gia Lai, với số ca được phát hiện là 17, ít hơn Đăk Nông và Kon Tum nhưng được nhận định là rất đáng lo ngại, vì có 1 trường hợp tử vong, 1 trường chuyển biến nặng đang được điều trị tích cực.

Để dập dịch bạch hầu, công tác phòng dịch tại tỉnhđược triển khai rốt ráo như: cách ly, khử độc tiêu trùng và các hoạt động khác nhằm kiểm soát mầm bệnh lây lan. Tại ổ dịch, làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa, chính quyền xã Hải Yang đã thành lập đội tình nguyện để trợ giúp người dân Bông Hiot, như tuyên truyền, vận động phòng chống dịch theo khuyến cáo; trợ giúp kịp thời những người dân khi cần mua sắm hoặc có các nhu cầu thiết yếu phát sinh./.

Theo kế hoạch tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu được công bố tại lễ phát động, việc tiêm phòng tại khu vực Tây Nguyên, cơ bản sẽ được tiến hành từ nay đến hết tháng 3/2021, chia ra làm nhiều nhóm tuổi và giai đoạn.

Với nhóm trẻ từ 2 tháng đến 12 tháng tuổi, sẽ rà soát kỹ các trường hợp tiêm sót và thiếu mũi, để tiêm vaccine SII nhằm đảm bảo đủ 3 mũi trong đó có thành phần phòng bạch hầu.

Nhóm từ 13 đến 18 tháng tuổi tiêm ngay một mũi SII, không chờ đến đủ 18 tháng.

Nhóm từ 19 đến 48 tháng, tiêm phòng mũi DPT cho trẻ chưa tiêm đủ 4 mũi theo quy định.

Nhóm trẻ 7 tuổi Tôi cần được tiêm ngay 2 mũi vắc-xin td theo quy định.

Cũng theo kế hoạch, trong tháng 7 tháng 8/2020, việc tiêm phòng được thực hiện tại 11 huyện thị có bệnh bạch hầu từ 2019 trở lại đây.

Tháng 9 đến tháng 11, sẽ tiêm 19 huyện thị có bệnh bạch hầu từ 2013 trở lại đây.

Từ tháng 12/2020 đến 03/2021, sẽ tiêm nốt 20 huyện thị sẽ tiêm đồng loạt, ưu tiên các buôn làng dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa.

Giai đoạn 4, rà soát các đối tượng còn lại, tiêm lồng ghép trong quá trình tiêm chủng mở rộng.

Đình Tuấn/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/bo-y-te-va-cac-tinh-tay-nguyen-phat-dong-tiem-chung-bach-hau-1068991.vov