Bộ Y tế và JICA khởi động dự án về khám, chữa bệnh từ xa
Ngày 8/7, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) khởi động Dự án 'Tăng cường Hệ thống phát triển năng lực cho nhân viên y tế thông qua khám, chữa bệnh từ xa'.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động dự án. Nguồn: Văn phòng JICA Việt Nam.
Phát biểu tại lễ khởi động, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, trong những năm qua, mô hình khám, chữa bệnh từ xa đã chứng minh tính ưu việt, giúp rút ngắn khoảng cách giữa các tuyến, hỗ trợ kịp thời cho các địa phương khó khăn, nhất là trong thời gian dịch Covid-19. Từ năm 2020, Bộ Y tế đã triển khai Đề án Khám, chữa bệnh từ xa với hơn 1.000 điểm cầu kết nối, cứu sống hàng nghìn bệnh nhân và tiếp tục được mở rộng đến nay.
"Dự án 'Tăng cường Hệ thống phát triển năng lực cho nhân viên y tế thông qua khám, chữa bệnh từ xa'được tài trợ không hoàn lại bởi JICA, triển khai trên phạm vi toàn quốc, trong đó thí điểm tại tỉnh Yên Bái cũ (nay là tỉnh Lào Cai), sẽ góp phần rất lớn vào việc nâng cao năng lực chuyên môn, phát triển nguồn nhân lực y tế và củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe từ cơ sở đến Trung ương.
Thông qua dự án, chúng ta sẽ xây dựng các tài liệu hướng dẫn, quy trình chuẩn, tổ chức hội chẩn, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và tăng cường năng lực nhân viên y tế. Đây chính là giải pháp căn cơ để hướng đến một hệ thống y tế thông minh, linh hoạt, bền vững và lấy người dân làm trung tâm," Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại buổi lễ. Nguồn: Sở Y tế tỉnh Lào Cai.
Để dự án đạt kết quả thiết thực, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phối hợp chặt chẽ với các cục, vụ liên quan; các bệnh viện 'hạt nhân', các sở y tế địa phương và đối tác Nhật Bản, bảo đảm triển khai dự án đúng tiến độ, đạt chất lượng, an toàn và hiệu quả cao nhất.
TS, BS Nguyễn Song Hào, Phó giám đốc Sở Y tế Lào Cai chia sẻ, đây là dự án có ý nghĩa thiết thực và sâu sắc đối với công tác chăm cao sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là ở những địa phương vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn như Lào Cai.

TS, BS Nguyễn Song Hào, Phó giám đốc Sở Y tế Lào Cai chia sẻ tại lễ phát động dự án. Nguồn: Sở Y tế tỉnh Lào Cai.
"Khoảng cách địa lý, sự thiếu hụt chuyên gia y tế và hạn chế về cơ hội đào tạo luôn là những rào cản lớn. Y tế từ xa sẽ giúp chúng ta kết nối trực tiếp với các chuyên gia đầu ngành từ tuyến trung ương, tuyến tỉnh, cho phép các bác sĩ tuyến dưới được tham gia hội chẩn các ca bệnh khó, hỗ trợ chuyên môn kịp thời, giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị; đồng thời được đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn một cách liên tục và hiệu quả," Phó giám đốc Sở Y tế Lào Cai nhấn mạnh.
Về phía JICA, ông Kobayashi Yosuke, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, bày tỏ tin tưởng rằng sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế, tỉnh Lào Cai, JICA và các cơ sở y tế sẽ là yếu tố then chốt góp phần đưa dự án đến thành công.
Dự án "Tăng cường Hệ thống phát triển năng lực cho nhân viên y tế thông qua khám, chữa bệnh từ xa" được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt theo Quyết định số 2598 ngày 26/9/2022, nằm trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia bao gồm "Chương trình về chuyển đổi số Y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" và "Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Dự án được tài trợ không hoàn lại bởi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), với tổng vốn ODA trị giá 3 triệu USD.
Với mô hình bác sĩ - bác sĩ (D to D), dự án hướng tới hỗ trợ ra quyết định lâm sàng, chuyển giao kiến thức giữa các tuyến và cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, đặc biệt tại khu vực nông thôn và miền núi.
Tỉnh Yên Bái cũ (nay là tỉnh Lào Cai) - một trong những địa phương điển hình về địa hình đồi núi phức tạp, được lựa chọn là địa bàn thí điểm để ứng dụng mô hình y tế từ xa. Các hoạt động thực tiễn tại đây sẽ tạo tiền đề cho việc nhân rộng ra toàn quốc trong tương lai.