Bộ Y tế và USAID tăng cường vai trò của tư nhân phòng, chống HIV/AIDS

Trong thập kỷ qua, khu vực tư nhân đã đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ HIV với giá cả phải chăng cho cộng đồng của các nhóm nguy cơ cao nhất.

 Ông Randolph Augustin - Giám đốc Phòng Y tế của USAID Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Randolph Augustin - Giám đốc Phòng Y tế của USAID Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cam kết trong việc hiện thực hóa vai trò lớn hơn đối với tiềm năng của khu vực tư nhân thông qua kế hoạch mới trong đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2021-2025.

Thông tin trên được ông Randolph Augustin - Giám đốc Phòng Y tế của USAID Việt Nam đưa ra tại hội thảo triển khai kế hoạch tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS lần đầu tiên tại Việt Nam do Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) và USAID thông qua dự án Path Steps, tổ chức ngày 20/10.

Ông Randolph Augustin khẳng định: "Sau Chiến lược huy động sự tham gia của khu vực tư nhân toàn cầu của USAID, chúng tôi cam kết hợp tác chặt chẽ với các đối tác chính phủ nhằm tận dụng chuyên môn, nguồn lực và đầu tư của khu vực tư nhân để giải quyết các thách thức phát triển và tạo ra tác động với quy mô lớn hơn. Chúng tôi mong muốn hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh trọng điểm để triển khai kế hoạch này và đảm bảo huy động nguồn đầu tư, hỗ trợ nhiều hơn từ khu vực tư nhân."

Phó giáo sư Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho hay đơn vị này ghi nhận vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong nhiều năm qua. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 và Quốc hội thông qua Luật phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi, trong đó các chính sách và giải pháp về đa dạng nguồn lực tài chính cho chương trình HIV; tăng cường sự tham gia đóng góp và đầu tư của khu vực tư nhân trong chương trình HIV/AIDS; mở rộng cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV...

Phó giáo sư Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó giáo sư Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo bà Hương, nguồn lực tài trợ từ bên ngoài cho công tác dự phòng và điều trị HIV ở Việt Nam đã giảm đáng kể từ đầu những năm 2010 và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Với nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam và sự quan tâm ngày càng gia tăng của khu vực tư nhân nhằm tạo ra tác động lớn hơn thông qua các hoạt động kinh doanh của họ, các đối tác tư nhân có đủ năng lực để đóng vai trò lớn hơn nữa trong thị trường HIV và tăng cường tính bền vững của dịch vụ dự phòng và điều trị HIV cũng như chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã giới thiệu Kế hoạch mới tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2021-2025 và thảo luận cơ chế hợp tác triển khai kế hoạch và thúc đẩy phối hợp công-tư mạnh mẽ trong bốn năm tới.

Kế hoạch này là hướng dẫn toàn diện đầu tiên của quốc gia chỉ đạo sự tham gia của khu vực tư nhân trong chương trình HIV nhằm hỗ trợ triển khai Chiến lược Chấm dứt AIDS của Chính phủ Việt Nam vào năm 2030. Kế hoạch này cũng cung cấp các chỉ số đo lường chính và lộ trình thúc đẩy sự tham gia và đầu tư của khu vực tư nhân.

USAID/Path Steps, dự án 5 năm do Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS (PEPFAR) tài trợ nhằm mục đích thúc đẩy chăm sóc sức khỏe ban đầu, sẽ hợp tác với Bộ Y tế để triển khai kế hoạch tham gia của khu vực tư nhân ở cấp quốc gia và địa phương.

Steps xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các mắt xích của chuỗi cung ứng để tăng khả năng lựa chọn, phân phối và quảng bá sản phẩm với giá cả tối ưu.

Trong thập kỷ qua, khu vực tư nhân - bao gồm doanh nghiệp xã hội trong nước, công ty y tế và dược phẩm đa quốc gia và công ty truyền thông đa phương tiện - đã đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ HIV với giá cả phải chăng cho cộng đồng của các nhóm nguy cơ cao nhất. Cộng đồng này bao gồm những người nam quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới, bán dâm, tiêm chích ma túy và bạn tình cũng như gia đình của họ, thanh niên trẻ, và công nhân làm việc trong các khu công nghiệp.

Các đại biểu tham gia chia sẻ tại buổi hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các đại biểu tham gia chia sẻ tại buổi hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các dịch vụ HIV tư nhân đã có sự gia tăng cả về cung và cầu. Hiện có hơn 20 phòng khám tư nhân đang cung cấp dịch vụ HIV lồng ghép với chăm sóc sức khỏe ban đầu ở các khu đô thị của Việt Nam. Khoảng 50% người sử dụng dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV (thuốc uống có tác dụng ngăn ngừa lây nhiễm HIV) của Việt Nam đang đăng ký tại các phòng khám tư nhân.

Thời gian qua, các đối tác tư nhân cũng là chìa khóa cho đổi mới: họ tham gia giới thiệu và mở rộng tiếp cận các sản phẩm mới như tự xét nghiệm HIV và bao cao su sản xuất trong nước và các mô hình cung cấp dịch vụ đa dạng nhằm thu hút và phục vụ hiệu quả các nhóm dân cư chính có nguy cơ nhiễm HIV cao nhất.../.

Thùy Giang (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/bo-y-te-va-usaid-tang-cuong-vai-tro-cua-tu-nhan-phong-chong-hivaids/824673.vnp