Bộ Y tế yêu cầu làm rõ vụ quảng cáo Nestlé MILO gắn tên Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Cục An toàn thực phẩm đã đề nghị Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẩn trương kiểm tra, rà soát nội dung truyền thông, quảng cáo các sản phẩm Nestlé Milo.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ngày 19-5 cho biết đã nhận được thông tin phản ánh từ truyền thông về việc các sản phẩm Nestlé Milo có nội dung quảng cáo liên quan đến báo cáo thử nghiệm lâm sàng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Cục An toàn thực phẩm yêu cầu làm rõ quảng cáo sản phẩm Nestlé Milo. Ảnh chụp màn hình
Căn cứ theo quy định tại Điều 40 Nghị định 15-2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, mới đây Cục An toàn thực phẩm đã có công văn gửi Sở Y tế Đồng Nai đề nghị kiểm tra, xác minh thông tin, xử lý việc quảng cáo sản phẩm này theo quy định hiện hành.
Cùng ngày, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẩn trương kiểm tra, rà soát nội dung truyền thông, quảng cáo các sản phẩm này để bảo đảm tuân thủ quy định tại Nghị định 15-2018 của Chính phủ và thực hiện Chỉ thị 17-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo.
Thời gian gần đây, nhiều người tiêu dùng phản ánh trên bao bì của sản phẩm sữa MILO uống liền của Nestlé Việt Nam có dòng chữ: "Nay đã được chứng minh khoa học bền bỉ hơn. Được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng".
Trước những lùm xùm trên mạng xã hội, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã phát thông cáo báo chí khẳng định Nestlé sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học do Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã thực hiện năm 2022-2023 để truyền thông là chính xác, khách quan và tuân thủ đúng các quy định liên quan.
Trong năm 2022-2023, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã hợp tác với Viện Dinh dưỡng Quốc gia để triển khai đề tài nghiên cứu khoa học nhằm nghiên cứu hiệu quả của giáo dục thể chất kết hợp với việc sử dụng sản phẩm Nestlé MILO đối với tình trạng dinh dưỡng, sức mạnh, thể chất và trí lực của trẻ em tại Việt Nam. Một trong những kết quả của nghiên cứu kết luận rằng việc sử dụng sản phẩm Nestlé MILO kết hợp với các hoạt động thể chất theo giáo án vận động thể lực góp phần cải thiện tất cả các thành tố trong tố chất thể lực ở học sinh tiểu học sau 3 tháng nghiên cứu, bao gồm: sức nhanh, sức mạnh, sức bền, sự khéo léo và khả năng phối hợp vận động.
Tháng 1- 2024, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã hợp tác với Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức một hội thảo khoa học nhằm thảo luận và chia sẻ thông tin về kết quả nghiên cứu khoa học của đề tài trên với các đại biểu tham dự hội thảo. Trước khi thông tin về kết quả và lợi ích của sản phẩm Nestlé MILO trên bao bì và qua quảng cáo đến người tiêu dùng, Nestlé MILO đã xem xét tất cả các quy định pháp lý liên quan.


Thực phẩm bổ sung sữa lúa mạch Nestlé Milo gắn tên Viện Dinh dưỡng
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đơn vị này đã hợp tác với Nestlé Việt Nam triển khai đề tài nghiên cứu khoa học "Hiệu quả giáo dục thể chất kết hợp với sử dụng sản phẩm bổ sung sữa lúa mạch NESTLÉ MILO lên tình trạng dinh dưỡng, thể lực và trí lực của học sinh tại một số trường tiểu học tỉnh Ninh Bình".
Cụ thể, đề tài nghiên cứu được tiến hành từ tháng 6-2022 đến 3-2023 thuộc nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng tại cộng đồng trên 576 học sinh tiểu học tại Ninh Bình (300 nhóm trẻ ở nhóm can thiệp, 276 ở trẻ nhóm chứng" tại một số trường tiểu học (ở huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).
Kết quả nghiên cứu không ghi nhận hiệu quả cải thiện tình trạng dinh dưỡng và trí lực cho học sinh sau 3 tháng nghiên cứu nhưng "góp phần cải thiện tất cả các thành tố trong tố chất thể lực như sức nhanh, sức mạnh, sức bền, độ mềm dẻo và năng lực khéo léo" của học sinh tiểu học sau 3 tháng.
Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho biết đã có công văn yêu cầu Công ty TNHH Nestlé Việt Nam rà soát các nội dung truyền thông, quảng cáo sản phẩm thực phẩm. Nếu có bất kỳ thông tin nào liên quan đến Viện Dinh dưỡng Quốc gia mà vi phạm các quy định nêu trên, đề nghị gỡ bỏ ngay.
Gần đây, cơ quan chức năng đã cảnh báo một số vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng như thổi phồng công dụng, sản phẩm quảng cáo gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh, quảng cáo sai nội dung công bố....
Ngoài ra, việc một số người "mặc áo blouse trắng" tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng cũng gây lo ngại trong dư luận. Nhiều sản phẩm bị thổi phồng công dụng, gắn mác "bác sĩ khuyên dùng", khiến người dân nhầm là thuốc chữa bệnh.