Bộ Y tế yêu cầu tăng cường công tác quản lý trong hoạt động kiểm nghiệm
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có công văn số 9564/QLD-CL gửi các cơ quan, đơn vị liên quan về việc tăng cường công tác quản lý trong hoạt động kiểm nghiệm.
Theo Cục Quản lý Dược, những năm qua, hệ thống kiểm nghiệm thuốc nhà nước đã từng bước được nâng cấp, bổ sung trang thiết bị, nhân lực, triển khai áp dụng các nguyên tắc tiêu chuẩn thực hành tốt phòng thí nghiệm (GLP)/ tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 - quản lý chất lượng phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn. Đồng thời được nâng cao năng lực thử nghiệm, góp phần đáng kể vào công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc, đảm bảo chất lượng thuốc từ khâu sản xuất, nhập khẩu, bảo quản và phân phối thuốc đến tay người sử dụng, góp phần cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, thanh tra của các cơ quan có thẩm quyền, đã phát hiện một số cơ sở kiểm nghiệm thuốc Nhà nước vẫn còn một số tồn tại, chưa đảm bảo duy trì hệ thống chất lượng đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn GLP/tiêu chuẩn ISO/IEC 17025.
Tại Kết luận Thanh tra số 09/KL-TTra, Thanh tra Bộ Y tế đã có một số đánh giá việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị tại một số cơ sở kiểm nghiệm còn chưa được quan tâm, nhiều thiết bị kiểm nghiệm bị hỏng, nhưng chưa có kinh phí sửa chữa; Việc sắp xếp trong khu vực bảo quản hóa chất kiểm nghiệm còn chưa khoa học (hóa chất còn hạn sử dụng lẫn hết hạn sử dụng); Một số hóa chất chưa được theo dõi, truy xuất đầy đủ thông tin về hạn dùng. Có đơn vị còn tình trạng sử dụng hóa chất hết hạn trong kiểm nghiệm thuốc;
Hồ sơ kiểm nghiệm chưa ghi đầy đủ thông tin về hạn dùng của hóa chất sử dụng; một số biên bản lấy mẫu, bàn giao mẫu ghi thiếu thông tin về thời gian; Một số phiếu kiểm nghiệm thuốc ghi tiêu chuẩn áp dụng chưa phù hợp với hồ sơ kiểm nghiệm, chưa kết luận đầy đủ chỉ tiêu kiểm nghiệm so với tiêu chuẩn thuốc đã được thẩm định, cấp phép lưu hành...
Để tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, đảm bảo chất lượng kết quả thử nghiệm và đánh giá đầy đủ, chính xác chất lượng thuốc, làm căn cứ cho việc quản lý chất lượng thuốc, Cục Quản lý Dược đề nghị các cơ quan, đơn vị trên triển khai một số nội dung.
Thứ nhất, với Trung tâm kiểm nghiệm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Quản lý Dược yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng của Phòng kiểm nghiệm thuốc; duy trì đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt phòng thí nghiệm (GLP). Đồng thời, Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu Trung tâm kiểm nghiệm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý trong hoạt động kiểm nghiệm, đảm bảo các hóa chất, dung môi, thuốc thử và các chất chuẩn được sử dụng là phù hợp và còn hạn sử dụng.
Với các hóa chất, dung môi, thuốc thử mà nhà sản xuất không quy định hạn sử dụng, Trung tâm kiểm nghiệm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tiến hành đánh giá, đảm bảo chất lượng hóa chất, dung môi đạt chất lượng và không ảnh hưởng tới kết quả thử nghiệm. Không sử dụng các hóa chất, dung môi, thuốc thử, chất chuẩn đã hết hạn sử dụng hoặc không đảm bảo chất lượng, để kiểm nghiệm mẫu thuốc theo đúng quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu Trung tâm kiểm nghiệm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần thực hiện việc kiểm tra chất lượng thuốc đầy đủ các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã được phê duyệt bởi Cục Quản lý Dược và được cập nhật theo quy định.
Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu Trung tâm kiểm nghiệm các tỉn, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch và nguồn kinh phí để đảm bảo các nguồn lực cần thiết để triển khai và duy trì thực hành tốt phòng thí nghiệm (GLP)/tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 bao gồm các trang thiết bị, hóa chất, dung môi, chất chuẩn và các quy trình thao tác chuẩn, để đảm bảo tiến hành liên tục hoạt động kiểm nghiệm 3 cơ sở.
Thứ hai, với Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Quản lý Dược yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra giám sát hoạt động của Trung tâm, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các tồn tại, đảm bảo duy trì đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn GLP, tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 của Trung tâm kiểm nghiệm.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần xem xét, xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các đề xuất của Trung tâm Kiểm nghiệm để đảm bảo điều kiện, phương tiện kỹ thuật cho hoạt động của Trung tâm và việc duy trì đáp ứng tiêu chuẩn GLP/ tiêu chuẩn ISO tại trung tâm.
Thứ ba, với Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP HCM, Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế, Cục Quản lý Dược yêu cầu tăng cường hoạt động giám sát chuyên môn, kịp thời phát hiện và hỗ trợ các trung tâm kiểm nghiệm khắc phục các tồn tại trong chuyên môn, cũng như các nội dung liên quan trong quá trình hoạt động, duy trì đáp ứng GLP/ tiêu chuẩn ISO/IEC 17025.
Ngoài ra, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP HCM, Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế cần đề xuất với Bộ Y tế và cấp có thẩm quyền các giải pháp để tăng cường năng lực chuyên môn của Trung tâm kiểm nghiệm và hệ thống kiểm nghiệm thuốc nói chung.