Bộ Y tế yêu cầu tập trung hậu kiểm các nhóm thực phẩm có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe

Việc hậu kiểm thực phẩm, đặc biệt là với các sản phẩm được quảng cáo và tiêu thụ rộng rãi đóng vai trò then chốt trong việc phát hiện, ngăn chặn những nguy cơ gây hại đến sức khỏe cộng đồng.

Hướng đến mục tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Sở An toàn thực phẩm TP.HCM; Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.Đà Nẵng, yêu cầu tăng cường công tác hậu kiểm, đặc biệt đối với các nhóm thực phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của những đối tượng nhạy cảm trong xã hội như người già, trẻ em.

Cơ quan chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng.

Cơ quan chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng.

Văn bản nêu rõ, thực hiện Kế hoạch số 337/KH-BCĐTƯATTP ngày 21/3/2025 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị triển khai hiệu quả công tác hậu kiểm đối với các sản phẩm, nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ.

Trong đó, cần đặc biệt tập trung vào các nhóm có nguy cơ cao và gần đây có dấu hiệu vi phạm, các sản phẩm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, nhất là nhóm dễ tổn thương như người cao tuổi, trẻ nhỏ.

Bên cạnh việc triển khai các hoạt động theo Kế hoạch Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, các địa phương cần tăng cường hậu kiểm đối với nhóm sản phẩm thuộc diện tự công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm tại địa phương.

Đồng thời, chú trọng kiểm tra hồ sơ công bố, hồ sơ quảng cáo sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Việc kiểm tra này cần thực hiện nghiêm túc, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh, yêu cầu các Sở Y tế, Sở An toàn thực phẩm và Ban Quản lý An toàn thực phẩm tại các địa phương thực hiện đầy đủ các nội dung nêu trên, đồng thời tiếp tục thực hiện chỉ đạo tại Công văn số 296/ATTP-PCTTR ngày 20/02/2025 về việc triển khai công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2025.

Việc hậu kiểm thực phẩm, đặc biệt là với các sản phẩm được quảng cáo và tiêu thụ rộng rãi - đóng vai trò then chốt trong việc phát hiện, ngăn chặn những nguy cơ gây hại đến sức khỏe cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng sống và bảo vệ người tiêu dùng trước những rủi ro tiềm ẩn từ thực phẩm kém chất lượng.

Hiện việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang rất "nóng" khi nhiều người nổi tiếng dính vào bê bối. Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, hoạt động quảng cáo sản phẩm trên nền tảng số của người nổi tiếng, nghệ sỹ đang ngày càng phổ biến và có sức ảnh hưởng sâu rộng.

Tuy nhiên, đi cùng với sự lan tỏa này là hàng loạt hệ lụy tiềm ẩn, khi không ít trường hợp nghệ sỹ quảng bá sản phẩm sai sự thật, chưa được kiểm chứng về chất lượng, thậm chí vi phạm quy định pháp luật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng và làm xói mòn niềm tin công chúng.

Trước thực trạng đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang gấp rút sửa đổi Luật Quảng cáo, với nhiều điểm mới nhằm siết chặt hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng trên mạng xã hội.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình cho biết, trong dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi, cơ quan chức năng sẽ bổ sung những quy định cụ thể đối với hoạt động quảng cáo của nghệ sỹ, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Theo đó, mỗi cá nhân khi tham gia quảng cáo, đặc biệt là trên nền tảng số, sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý đầy đủ không chỉ theo Luật Quảng cáo mà còn theo các quy định pháp luật liên quan khác.

Đồng thời, người nổi tiếng cũng phải có nghĩa vụ xác minh tính minh bạch và chính xác của thông tin sản phẩm trước khi công khai quảng bá. Việc nghệ sỹ tham gia quảng cáo sản phẩm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm duyệt hoặc mang tính chất lừa đảo không còn là vấn đề đạo đức nghề nghiệp, mà sẽ được xem xét và xử lý theo đúng pháp luật hiện hành.

Dự kiến trong nghị định hướng dẫn Luật Quảng cáo sửa đổi, sẽ có những chế tài mạnh tay hơn đối với nghệ sỹ vi phạm, bao gồm tăng mức xử phạt hành chính, cấm hoặc tạm đình chỉ hoạt động quảng cáo, thậm chí có thể hạn chế quyền xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội nếu vi phạm nghiêm trọng.

Những điều khoản này nhằm thiết lập lại trật tự trong hoạt động quảng cáo vốn đang bị lợi dụng một cách tràn lan, thiếu kiểm soát và gây hậu quả thực tế cho người tiêu dùng.

Theo Thứ trưởng Lê Hải Bình, trong khi người tiêu dùng cần được nâng cao nhận thức để có khả năng phân biệt đúng - sai trong nội dung quảng cáo, thì nghệ sỹ và người nổi tiếng cũng phải hiểu rằng, việc đồng ý gắn tên tuổi với một sản phẩm không chỉ là cơ hội tài chính, mà còn là sự đánh cược với danh tiếng điều mà họ đã mất rất nhiều năm xây dựng, nhưng có thể đánh mất chỉ sau một lần sai phạm.

Không thể phủ nhận rằng trong thời đại số, nghệ sỹ và những người có ảnh hưởng đóng vai trò rất lớn trong việc định hướng hành vi tiêu dùng của công chúng. Chỉ một bài đăng, một clip ngắn trên mạng xã hội của họ có thể tiếp cận hàng triệu người, tạo ra xu hướng tiêu dùng chỉ sau vài giờ lan truyền.

Tuy nhiên, chính vì sức ảnh hưởng quá lớn, họ càng cần hiểu rõ trách nhiệm đi kèm với tầm vóc của mình. Thực tế thời gian qua đã cho thấy không ít vụ việc nghệ sỹ bị công chúng phản ứng gay gắt, thậm chí tẩy chay, vì quảng cáo những sản phẩm giảm cân cấp tốc, thuốc chức năng không rõ nguồn gốc, sàn giao dịch tài chính trá hình hay ứng dụng kiếm tiền theo mô hình đa cấp.

Dù nhiều nghệ sỹ sau đó đã lên tiếng xin lỗi hoặc đổ lỗi cho việc “không kiểm tra kỹ sản phẩm”, nhưng sự tổn hại về danh tiếng là điều không thể tránh khỏi.

Việc siết chặt hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng không nhằm hạn chế quyền tự do biểu đạt, mà là cần thiết để bảo vệ một không gian truyền thông trong sạch, nơi thông tin được chia sẻ một cách có trách nhiệm và trung thực.

Đặc biệt trong bối cảnh công nghệ phát triển, quảng cáo số trở thành lĩnh vực nhạy cảm và dễ bị thao túng, vai trò của pháp luật càng trở nên quan trọng trong việc tạo dựng niềm tin và an toàn cho cộng đồng người tiêu dùng.

Nếu nghệ sỹ, người nổi tiếng chỉ nhìn quảng cáo như một hình thức kiếm tiền, mà không quan tâm đến hậu quả xã hội, thì chính họ sẽ là người phải trả giá đầu tiên khi công chúng quay lưng.

Sự nổi tiếng luôn đi kèm với ảnh hưởng, và ảnh hưởng càng lớn thì trách nhiệm càng cao. Khi một nghệ sỹ quyết định đứng trước ống kính để giới thiệu sản phẩm, họ không chỉ đang bán hàng, mà đang gửi gắm niềm tin của hàng triệu người.

Do đó, hơn bao giờ hết, nghệ sỹ cần ý thức rõ rằng, mỗi lựa chọn quảng cáo là một lựa chọn cho chính hình ảnh và danh tiếng của mình. Và khi pháp luật vào cuộc, danh tiếng không còn là “vùng miễn dịch” nữa.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bo-y-te-yeu-cau-tap-trung-hau-kiem-cac-nhom-thuc-pham-co-nguy-co-anh-huong-suc-khoe-d268819.html