'Bóc phốt' trên mạng xã hội Khi 'nạn nhân' trở thành 'thủ phạm'
Khi quyết định 'bóc phốt' một ai đó trên mạng xã hội, bên cạnh các bản ghi hay hình ảnh chụp được, người ta còn trưng ra các ảnh chụp màn hình tin nhắn của đối phương và không nghĩ đây là vấn đề nghiêm trọng, nhất là khi những đoạn chat mà đối phương nhắn cho chính họ. Tuy nhiên, liệu có đúng là như vậy?
Không ngoa khi nói rằng, từ khi mạng xã hội xuất hiện, báo chí truyền thống đã gặp phải một “đối thủ” đáng gờm. Nếu trước đây, mọi người phải dựa vào báo chí để thu thập, tiếp cận thông tin thì giờ đây có thêm một kênh khác để chúng ta dựa vào, thậm chí kênh này đưa một số loại thông tin nhanh chóng hơn cả báo chí, đó chính là mạng xã hội. Điều đó dẫn đến hệ quả, bất cứ cá nhân sở hữu một tài khoản mạng xã hội đều có thể nắm giữ một vị trí từa tựa như một “biên tập viên báo chí” kiêm “nhà phát hành báo”.
Mạng xã hội: khi cá nhân có “quyền làm báo”
Đây là một ưu điểm rất lớn mà mạng xã hội mang lại cho các cá nhân. Do đó, nếu một ngày, vô tình bạn phát hiện mình bị công kích trên một group chat kín trên một nền tảng tương tác trực tuyến, đang bị đối xử bất công bởi sếp, bị bắt nạt bởi đồng nghiệp, bạn sẽ làm gì trong khi bạn đang sở hữu một tài khoản mạng xã hội có lượng tương tác nhất định? Liệu bạn có sẵn sàng tung hê tất cả để công kích ngược lại “thủ phạm”, hy vọng rằng với khả năng tương tác lớn và sức lan tỏa mạnh của nền tảng này, bạn sẽ được “bảo vệ” bởi dư luận và “kẻ thủ ác” kia sẽ phải trả giá?
Trong trường hợp “kẻ thủ ác” có chút tiếng tăm thì cái giá phải trả sẽ càng lớn. Tuy nhiên, trước khi chọn cách này, có lẽ bạn nên dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu các quy định pháp lý hay tham vấn luật sư để tránh rắc rối với pháp luật. Bởi lẽ, bóc phốt mạng xã hội không đơn thuần chỉ là vấn đề văn hóa hay đạo đức trong việc sử dụng mạng, mà lớn hơn, đó còn là vấn đề pháp lý phức tạp.
Công khai màn hình tin nhắn và những hệ lụy pháp lý
Khi quyết định “bóc phốt” một ai đó trên mạng xã hội, bên cạnh các bản ghi hay hình ảnh chụp được, người ta còn hay dùng đến một phương thức đơn giản hơn mà không kém phần hiệu quả để “nói có sách mách có chứng” là các ảnh chụp màn hình tin nhắn của đối phương. Thường thì những người bóc phốt không nghĩ đây là vấn đề nghiêm trọng, nhất là khi những đoạn chat mà đối phương nhắn cho chính họ, họ cho rằng mình không chụp trộm. Họ chỉ đang công khai các thông tin thuộc về mình. Tuy nhiên, liệu có đúng là như vậy?
Có hai vấn đề pháp lý đối với việc công khai các đoạn tin nhắn riêng tư trên mạng xã hội dễ khiến những người dùng mạng xã hội để “bóc phốt” chuyển từ vị trí “nạn nhân” sang “thủ phạm” theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thứ nhất, các tin nhắn bằng phương thức điện tử chính là các dữ liệu điện tử của cá nhân, là các thông tin mang tính riêng tư được pháp luật bảo vệ. Do đó, kể cả những tin nhắn được nhắn riêng cho “nạn nhân” hoàn toàn không có nghĩa là chúng chỉ thuộc về người nhận, chỉ chịu sự kiểm soát của người nhận. Khoản 3 điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác, của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật”.
Như vậy, những tin nhắn riêng của cá nhân đối với cá nhân, của một nhóm người sử dụng nền tảng trực tuyến nhưng được cài đặt chế độ riêng tư là những dữ liệu điện tử và là “hình thức trao đổi thông tin riêng tư”, cần được bảo mật bởi chính những người trong cuộc nếu như các bên không có thỏa thuận khác. Việc một bên tự ý tung những dữ liệu riêng tư mà không được sự đồng ý bởi bên còn lại sẽ bị coi là hành vi xâm phạm quyền riêng tư của người khác. Hơn nữa, việc cố ý công khai các đoạn tin nhắn riêng tư của người khác (cho dù là nhắn cho chính bản thân mình) lên không gian mạng là hành vi bị nghiêm cấm tại điểm a và d, khoản 1 điều 17 Luật An ninh mạng 2018.
Thứ hai, khi các tin nhắn dưới dạng riêng tư, chỉ được trao đổi trong phạm vi hẹp và chỉ một số lượng người có hạn biết đến các tin nhắn này bị công khai trên một nền tảng được cài đặt chế độ công khai, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận chúng thì bản chất vấn đề lại thay đổi hoàn toàn.
Cách đây không lâu, một group chat kín giữa những ca sĩ trẻ bị tiết lộ trên mạng xã hội bởi một ca sĩ khác vốn là người bị “nói xấu” trong một số câu chuyện bàn tán trong group đó. Bằng một cách nào đó, nạn nhân đã chụp được các đoạn tin nhắn trên và công bố chúng trên tài khoản mạng xã hội được cài đặt chế độ công khai. Tất nhiên, ca sĩ nạn nhân bày tỏ sự bức xúc và đăng kèm với đó là thông tin cá nhân của các “thủ phạm” cũng như địa chỉ tài khoản mạng xã hội của họ.
Những thông tin này nhanh chóng lan tỏa trong giới chuyên môn. Các “thủ phạm” không chỉ bị thóa mạ bởi những người dùng mạng trong chính bài viết của ca sĩ kia mà họ còn bị những người quá khích tấn công tại tài khoản của chính họ, phải nhận những tin nhắn thóa mạ, đe dọa, thậm chí một thành viên nữ trong nhóm chat còn nhận phải các tin nhắn quấy rối bệnh hoạn từ những người dùng này.
Tất nhiên, nói xấu bàn tán những điều không hay sau lưng người khác là sai, ít nhất là sai về đạo đức. Nhưng xét phạm vi ảnh hưởng trên thực tế, các tin nhắn trong group kín chỉ giới hạn trong phạm vi một số lượng nhỏ các thành viên của nhóm nên suy cho cùng, nó chưa đến mức gây ảnh hưởng về mặt công cộng cho hình ảnh của người bị nói xấu.
Tuy nhiên, khi chọn phương thức tung hê trên mạng xã hội thì chính người bóc phốt mới là tác nhân đưa các thông tin ấy đến với cộng đồng. Nghiêm trọng hơn, với hành vi không chỉ công khai các dữ liệu điện tử riêng tư của cá nhân mà còn công khai thông tin cá nhân của người khác trên mạng xã hội, tạo điều kiện để các hành vi tấn công mạng tập thể xảy ra đối với người khác, chính người vốn dĩ ở vai trò “nạn nhân” đã nhanh chóng biến thành “thủ phạm”.
Bóc phốt đời tư: hành vi sai cho dù thông tin có đúng
Xu hướng bóc phốt đời tư, đặc biệt là đời tư của những người nổi tiếng, ngày càng rầm rộ và thịnh hành. Những ngày gần đây, liên tục một số nhân vật trong giới showbiz thực hiện các hoạt động livestream trên nền tảng mạng xã hội để công khai, bình luận các thông tin đời tư của một số nghệ sĩ gây xôn xao dư luận. Đây hiển nhiên không phải là hiện tượng mới lạ trên mạng xã hội.
Cách đây chưa lâu, vụ án bà Nguyễn Phương Hằng bị tuyên phạm tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo khoản 2 điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 là điển hình.
Trong số những hành vi vi phạm bị kết án thì hành vi đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình, thông tin riêng tư của người khác mà bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện đáng được xem là bài học trong việc sử dụng mạng xã hội.
Có một số quan điểm ủng hộ bà Nguyễn Phương Hằng khi cho rằng nhiều thông tin bà cung cấp là đúng sự thật, không phải bịa đặt. Sự ngộ nhận này xuất phát từ việc thiếu hiểu biết về nguyên tắc bảo hộ quyền riêng tư của pháp luật. Nhà nước bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân là bảo vệ không gian riêng của chính mỗi người. Ai cũng có nhu cầu chính đáng để có một không gian của riêng mình, trong không gian ấy, mỗi cá nhân được đảm bảo quyền bất khả xâm phạm từ người khác, từ đó đảm bảo sự an toàn về thông tin riêng tư cho mỗi cá nhân trong cuộc sống.
Đó chính là bản chất nhân văn của nguyên tắc bảo hộ quyền riêng tư. Vì vậy, nếu ai đó xâm phạm khu vực thông tin riêng tư của người khác, công bố các thông tin đời tư mà họ không cho phép công khai đều bị coi là hành vi vi phạm, bất kể thông tin đó là chính xác hay không.
Thay lời kết
Ngày nay, thật khó tưởng tượng một xã hội thiếu Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng. Internet và mạng xã hội tạo nên một cuộc cách mạng vĩ đại trong cách con người tương tác và tìm kiếm thông tin, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội. Tuy vậy, việc lạm dụng mạng xã hội để “bóc phốt”, công khai thông tin riêng tư của người khác sẽ để lại nhiều hệ lụy, đặc biệt là những rắc rối về mặt pháp lý.
Trong trường hợp nghi ngờ những thông tin bí mật riêng tư của một người liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật thì cách hành xử đúng đắn là người phát hiện cần tố cáo lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứ không phải là tự ý công khai bí mật riêng tư trên nền tảng mạng xã hội. Đặc biệt, vì chúng ta không chắc liệu một hành vi có vi phạm pháp luật hay không cho đến khi tòa án có phán quyền cuối cùng, việc lựa chọn công khai thông tin riêng tư của người khác thay vì báo cho cơ quan chức năng là một lựa chọn sai lầm, lợi bất cập hại. Chúng ta không thể giải quyết một cái sai này bằng một cái sai khác nên đừng tự biến mình từ “nạn nhân” trở thành “thủ phạm” chỉ vì lạm dụng mạng xã hội.
(*) Giảng viên Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM