Bóc tách chiêu trò gian lận đẩy giá cước taxi của các tài xế

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM phân tích về nguyên lý của thiết bị gian lận cước taxi để người dân biết cách kiểm tra và phòng chống.

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM đã phối hợp Đồn Công an Tân Sơn Nhất và An ninh sân bay Tân Sơn Nhất để kiểm tra về tình hình an ninh, điều kiện vận tải của một số đơn vị.

Qua kiểm tra, lực lượng Thanh tra giao thông và Công an Tân Sơn Nhất đã phát hiện xe có 2 công tắc phụ nằm phần dưới lái xe gắn liền với đồng hồ tính tiền.

Tài xế bị xử phạt 700.000 đồng và công ty là 11 triệu đồng. Ảnh: PLO

Tài xế bị xử phạt 700.000 đồng và công ty là 11 triệu đồng. Ảnh: PLO

Lúc này, Tổ công tác đã phối hợp, yêu cầu tài xế chạy từ ga Quốc tế ra đường Trần Quốc Hoàn và trở về ga Quốc tế, giá cước nhảy lên 54.000 đồng. Tuy nhiên, khi có tác động vào công tắc thì đồng hồ hiện 540.000 đồng.

Tương tự như vậy ở tài xế thứ hai thuộc đơn vị taxi khác, tổ công tác cũng phối hợp yêu cầu tài xế chạy từ ga Quốc tế ra đường Trần Quốc Hoàn và trở về ga Quốc tế để tác động vào công tắc đồng hồ thì hiện 420.000 đồng.

Tổ công tác tiến hành lập biên bản và Thanh tra Sở đã tiến hành xử phạt hai tài xế với mức phạt là 700 ngàn/người và công ty là 11 triệu đồng.

Sự việc cũng khiến nhiều người thắc tại sao tài xế xe taxi có thể thực hiện việc gian lận này.

Trao đổi với PLO, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM phân tích về nguyên lý của thiết bị gian lận cước taxi để người dân biết cách kiểm tra và phòng chống.

“Việc gian lận cước taxi đã xảy ra vài chục năm nay, nhiều tài xế chạy xe cũng đã lắp mạch nâng chỉ số đồng hồ để kiếm thêm tiền xăng dầu hàng tháng”- ông Dũng cho hay.

Theo vị PGS-TS, nguyên lý của thiết bị “ăn gian” này là thay đổi tần số của xung tín hiệu phát ra từ cảm biến tốc độ xe (VSS - Vehicle Speed Sensor) qua dây nối từ cảm biến đến đồng hồ tốc độ xe (speedometer) hoặc đồng hồ tính cước (faremeter). Mạch thay đổi xung tín hiệu để tăng số tốc độ từ đó tăng tiền cước rất đơn giản và rẻ tiền (chừng 10.000 đồng chứ không phải vài triệu như các thông tin khác). Nếu có thêm mạch điều khiển từ xa thì cao lắm chừng 200.000 đồng.

Mạch điện tử đơn giản để ăn gian cước thường sử dụng IC 555 để tạo xung giả. IC 555 tạo xung nhịp ở ngõ 3. Bằng cách điều chỉnh điện trở và tụ có thể thay đổi tần số đóng ngắt của transistor khiến xe không lăn bánh hoặc chạy tốc độ thấp mà đồng hồ vẫn chỉ tốc độ cao và tiền cước taxi cũng tăng tương ứng.

“Cách này cũng tăng chỉ số trên đồng hồ quãng đường (odometer), giúp các tài xế xe cơ quan lấy thêm tiền xăng”- ông Dũng cho hay.

PGS-TS Dũng cũng lưu ý thêm, cần tách dây từ speedometer xuống cảm biến tốc độ xe khi đấu qua mạch 555 vì đồng hồ sẽ không hoạt động nếu xe dừng ở vị trí transistor mở.

THY NHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/boc-tach-chieu-tro-gian-lan-day-gia-cuoc-taxi-cua-cac-tai-xe-post738658.html