Bóc trần GÓC KHUẤT quảng cáo ngoài trời
Hai loạt bài điều tra về dịch vụ quảng cáo ngoài trời tại hai thành phố lớn nhất nước nằm trong số nhiều tuyến đề tài thể hiện rõ dấu ấn tác nghiệp của phóng viên Báo Người Lao Động
Tháng 10-2022, Báo Người Lao Động nhận được phản ánh của một số cán bộ, người dân về việc quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP HCM nhếch nhác, không bảo đảm an toàn. Nguồn tin còn tiết lộ có tiêu cực và lợi ích nhóm trong việc cấp phép các trụ bảng quảng cáo ngoài trời trên đường phố, quảng cáo màn hình LED tại các tòa nhà…
Nhập vai doanh nghiệp cần quảng cáo
Được giao trực tiếp thực hiện điều tra quanh việc quảng cáo ngoài trời, đầu tiên chúng tôi tiến hành thu thập chứng cứ. Phóng viên phát hiện dù quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn chưa được UBND TP HCM thông qua nhưng hàng loạt trụ bảng quảng cáo vẫn được cấp phép thi công trên các tuyến đường. Đáng nói hơn, tiền thu từ việc cho thuê quảng cáo ngoài trời khá mập mờ, có dấu hiệu bị trục lợi.
Vào vai đại diện một doanh nghiệp bất động sản, chúng tôi tìm cách tiếp cận nhiều công ty quảng cáo ở TP HCM. Các công ty này ra giá mỗi trụ bảng quảng cáo, tùy vị trí, ở các quận 3, Tân Bình, Bình Tân… có giá từ 700 triệu đến 2 tỉ đồng, thời gian quảng cáo chỉ từ 6 tháng đến 1 năm.
Các "ông lớn" trong ngành quảng cáo như Công ty TNHH Xây dựng Quảng cáo Kim Ngân (Công ty Kim Ngân, trụ sở ở quận Bình Tân), Công ty TNHH MTV Sức Sống Mới (quận Phú Nhuận), Công ty TNHH Truyền thông mỹ thuật Quảng cáo Hoàng Gia (quận Gò Vấp)... cho thuê trụ bảng quảng cáo với giá hàng tỉ đồng. Thế nhưng, mỗi năm họ chỉ đóng tiền thuê mặt bằng cho thành phố với số tiền nhỏ giọt.
Nhiều trụ bảng được quy hoạch để cổ động chính trị, sau một thời gian đã biến thành quảng cáo thương mại. Các công ty quảng cáo tiết lộ để được cấp phép trụ bảng quảng cáo, quảng cáo màn hình LED, họ phải "cảm ơn" lãnh đạo một số sở - ngành, quận - huyện số tiền rất lớn. Do đó, trụ bảng quảng cáo, màn hình LED không phép cứ thế mọc lên, tồn tại năm này qua năm khác mà không bị kiểm tra, xử lý.
Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải TP HCM, mỗi năm đơn vị này chỉ thu tiền từ mỗi trụ bảng quảng cáo ngoài trời 10 - 15 triệu đồng. Vậy số tiền hàng tỉ đồng mỗi trụ quảng cáo chảy đi đâu?...
Sau khi Báo Người Lao Động đăng loạt bài "Quảng cáo ngoài trời: Tiền chảy đi đâu?" vào tháng 11-2022, UBND TP HCM đã yêu cầu các sở - ngành liên quan rà soát, kiểm tra sai phạm trong việc cấp phép, thay đổi nội dung quảng cáo… trên địa bàn.
Tại các buổi kiểm tra, giám sát, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, đặt vấn đề về chất lượng thi công trụ quảng cáo; đơn vị nào giám sát, nếu xảy ra sự cố thì ai chịu trách nhiệm? Nhiều bảng ban đầu nhằm cổ động chính trị nhưng sau đó chuyển sang quảng cáo thương mại, đơn vị nào giám sát? TP HCM có bao nhiêu trụ bảng quảng cáo, trụ nào có phép, không phép?... Từ đó, ông Cao Thanh Bình đặt nghi vấn "không loại trừ khả năng có tiêu cực trong vụ việc này".
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM đã tổ chức nhiều cuộc họp, lấy ý kiến các sở - ngành để hoàn thiện đề án quy hoạch quảng cáo ngoài trời, tránh việc cấp phép không đúng quy định gây thất thoát ngân sách. Lãnh đạo các sở - ngành liên quan đã nhiều lần đến kiểm tra thực tế những địa điểm mà Báo Người Lao Động đã phản ánh; tổ chức các cuộc họp để làm rõ sai phạm, khuyết điểm trong việc cấp phép các trụ bảng quảng cáo không đúng quy định.
Đưa vào nề nếp
Trong khi đó, tại Hà Nội, một buổi sáng cuối tháng 2-1023, chúng tôi tình cờ nghe được câu chuyện từ những người trong quán cà phê về mức giá "trên trời" của trụ bảng quảng cáo tấm lớn, gắn tường nhà hay quảng cáo màn hình LED. Hàng loạt vấn đề về tính pháp lý, giá thành những loại hình quảng cáo ngoài trời này... khiến chúng tôi quyết tâm vào cuộc làm rõ.
Thực tế, Luật Quảng cáo đã có hiệu lực hơn 10 năm, TP Hà Nội cũng đã ban hành quy chế quản lý hoạt động từ năm 2016 và phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời năm 2018. Thế nhưng, hoạt động quảng cáo ngoài trời ở thủ đô vẫn lộn xộn, bát nháo, ảnh hưởng mỹ quan đô thị.
Tiến hành điều tra, chúng tôi ngỡ ngàng khi hầu hết các bảng quảng cáo tấm lớn và màn hình LED quảng cáo ở Hà Nội đều không có phép hoặc đã hết hạn; hàng trăm bảng, biển quảng cáo gắn tường nhà dân có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng. Vậy ai thu lợi bất chính từ "mỏ vàng" này? Ai "bảo kê" cho các doanh nghiệp vi phạm? Vì sao TP Hà Nội không quản lý chặt quảng cáo ngoài trời?…
Trong vai đại diện một doanh nghiệp đang cần quảng cáo, chúng tôi dần phát hiện hàng trăm công ty hoạt động trong lĩnh vực này ở Hà Nội. Trong đó, nhiều công ty đã thu lợi "khủng" từ quảng cáo "chui" nhiều năm qua.
Sau khi Báo Người Lao Động đăng loạt bài "Mỏ vàng quảng cáo ngoài trời" vào tháng 3-2023, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ngay lập tức chỉ đạo các cơ quan liên quan vào cuộc rà soát toàn bộ. Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cũng trực tiếp đến các địa điểm báo phản ánh để kiểm tra thực tế. Gần 2 tuần sau, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã thành lập nhiều đoàn khảo sát, trực tiếp làm việc với các quận - huyện về chuyện này.
Một cựu lãnh đạo TP Hà Nội cho biết sở dĩ quảng cáo "chui" tràn lan bởi "mỏ vàng" này rất dễ khai thác. Đằng sau nhiều công ty quảng cáo là những người "có quan hệ rất rộng". "Nhiều năm qua, sự nhếch nhác, vi phạm rõ như ban ngày trong quảng cáo ngoài trời không được xử lý hoặc xử lý không dứt điểm; tình trạng nể nang hay "sân sau" cũng không tránh được. Lãnh đạo TP Hà Nội và các sở - ngành liên quan hiện nay hầu hết mới nhận nhiệm vụ nên cần có thời gian để chấn chỉnh, đưa quảng cáo ngoài trời vào nề nếp" - vị này nhìn nhận.
Nhằm chấn chỉnh, quản lý chặt hoạt động quảng cáo ngoài trời, UBND TP Hà Nội cũng đã giao Sở Văn hóa - Thể thao khẩn trương trình UBND thành phố ban hành quy chế mới để thay thế quy chế năm 2016, theo hướng cập nhật quy định mới, quản lý chặt chẽ, minh bạch. Sở Văn hóa - Thể thao còn được giao báo cáo UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn đến năm 2050.
"Hiệu quả rất lớn"
Sau khi Báo Người Lao Động đăng loạt bài "Quảng cáo ngoài trời: Tiền chảy đi đâu?", UBND quận Bình Tân đã yêu cầu Công ty Kim Ngân phải thay đổi nội dung trên bảng quảng cáo, từ thương mại sang cổ động chính trị, tuyên truyền an toàn giao thông tại vị trí vòng xoay An Lạc và giao lộ Võ Văn Kiệt - An Dương Vương. Nhiều trụ bảng quảng cáo khác ở quận 3, Tân Bình... cũng thay đổi nội dung sang cổ động chính trị.
Trong khi đó, chỉ vài ngày sau khi loạt bài "Mỏ vàng quảng cáo ngoài trời" được xuất bản, nội dung quảng cáo trên hàng trăm bảng, biển khắp đường phố Hà Nội đã bị gỡ bỏ, chỉ trơ lại những khung sắt. Nhiều quận - huyện cũng tiến hành cưỡng chế các công trình quảng cáo vi phạm. Theo Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, quý I/2023, sở xử phạt đến gần 1 tỉ đồng về các vi phạm quảng cáo nhưng sang quý II chỉ còn hơn 155 triệu đồng. "Có thể thấy hiệu quả rất lớn sau loạt bài của Báo Người Lao Động. Các công ty, địa phương đều đã ý thức hơn trong vấn đề này" - đại diện Thanh tra Sở nhận xét.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/boc-tran-goc-khuat-quang-cao-ngoai-troi-20230727232957521.htm