Du lịch Thanh Hóa thu hút dòng khách quốc tế, có khả năng chi trả cao

Với việc liên tiếp nằm trong tốp các địa phương là điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch nhiều nhất cả nước, 'Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa' đã, đang khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch quốc gia. Đây là cơ sở quan trọng để các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thu hút nguồn khách từ các thị trường du lịch trọng điểm trong nước và quốc tế trong thời gian tới.

Flamingo Ibiza Hải Tiến (Hoằng Hóa) với hệ thống dịch vụ đồng bộ, hiện đại, góp phần nâng mức chi tiêu của du khách.

Flamingo Ibiza Hải Tiến (Hoằng Hóa) với hệ thống dịch vụ đồng bộ, hiện đại, góp phần nâng mức chi tiêu của du khách.

Trong những năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2024, Thanh Hóa đã, đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao, trở thành “hạt nhân” lan tỏa cho du lịch cả tỉnh. Đến nay, sản phẩm du lịch biển xứ Thanh đã tạo dựng được thương hiệu nổi bật tại khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ, trở thành sản phẩm có quy mô, sức cạnh tranh, khả năng thu hút khách. Đặc biệt loại hình du lịch kết hợp chơi golf tại khu nghỉ dưỡng biển cao cấp 5 sao FLC Sầm Sơn; nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi, giải trí tại Flamingo Ibiza Hải Tiến; Công viên nước Sun World Sầm Sơn... đã thu hút lượng lớn khách du lịch có mức chi trả cao trong thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng một số sản phẩm du lịch chủ đạo như: Văn hóa lịch sử - tâm linh, sinh thái cộng đồng, nông nghiệp - nông thôn (gắn với nông nghiệp công nghệ cao), đường thủy, du lịch kết hợp hội nghị - hội thảo (MICE)... đã góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch có giá trị cao, thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế. Cũng chính việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch đã góp phần nâng sức cạnh tranh cho du lịch của tỉnh, giúp kéo dài thời gian lưu trú và tăng khả năng chi tiêu của khách, đưa du lịch chuyển mình theo hướng tích cực, bền vững.

Trong những năm gần đây, nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch mới được đưa vào khai thác, tạo điểm nhấn nổi bật cho ngành du lịch của tỉnh. Trong đó một số sản phẩm, hoạt động vui chơi, giải trí đầy sức hút như: chèo thuyền kayak, trượt zipline, đua xe Go-kart, bắn súng sơn, tour du lịch Nghi Sơn - đảo Mê (thị xã Nghi Sơn); tour du lịch ra đảo Nẹ, dù lượn, tuyến phố lễ hội lớn với hàng loạt dịch vụ đa dạng tại Flamingo Ibiza Hải Tiến (Hoằng Hóa); Quảng trường biển, biểu diễn nhạc nước, phố đi bộ, chợ đêm, biểu diễn nghệ thuật đường phố, Công viên nước Sun World Sầm Sơn (TP Sầm Sơn)... góp phần nâng cao thương hiệu du lịch Thanh Hóa.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 10 tháng năm 2024, lượng khách đến Thanh Hóa đạt gần 14,7 triệu lượt, đạt 106,3% kế hoạch năm 2024; tổng thu du lịch đạt trên 32,4 nghìn tỷ đồng, đạt 100,2% kế hoạch năm 2024. Theo đó, từ năm 2023 đến nay, Thanh Hóa vươn lên đứng thứ 4 cả nước về thu hút lượt khách du lịch (sau TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, Quảng Ninh) và xếp thứ 5 về tổng thu du lịch (sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Khánh Hòa, Quảng Ninh).

Các doanh nghiệp lữ hành đến từ Thái Lan tìm hiểu điểm đến, sản phẩm du lịch tại Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (tháng 9/2024).

Các doanh nghiệp lữ hành đến từ Thái Lan tìm hiểu điểm đến, sản phẩm du lịch tại Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (tháng 9/2024).

Bước vào giai đoạn phát triển mới, du lịch Thanh Hóa đang đứng trước nhiều cơ hội để nâng mức chi tiêu, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, đặc biệt là dòng khách quốc tế và dòng có khả năng chi trả cao. Đáng chú ý, toàn tỉnh hiện có 82 dự án đầu tư kinh doanh du lịch, với tổng vốn đăng ký khoảng 153.000 tỷ đồng. Trong đó có những dự án quy mô lớn, hệ thống dịch vụ đồng bộ, hướng đến đáp ứng nhu cầu khách du lịch thuộc phân khúc cao cấp đã và đang được triển khai như: Dự án Quảng trường biển và trục cảnh quan lễ hội (TP Sầm Sơn); Khu đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En (Như Thanh); Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng Sun Beauty Onsen Thanh Hóa tại xã Quảng Yên (Quảng Xương); Khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại tại xã Quảng Nham (Quảng Xương); Khu Du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường và Dự án Flamingo Linh Trường Khu B (Hoằng Hóa)...

Với tiềm lực hiện có, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ đẩy mạnh thu hút khách quốc tế tại các thị trường có nguồn khách lớn và mức tăng trưởng nhanh như: khối thị trường khu vực Đông Bắc Á (chủ yếu là thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao, Nhật Bản, Hàn Quốc), Nga, Mỹ, Pháp. Đồng thời, tập trung quảng bá những sản phẩm du lịch cao cấp, chất lượng như: nghỉ dưỡng biển, du lịch golf, văn hóa - lịch sử, chăm sóc sức khỏe, sinh thái cộng đồng, MICE... Hướng đến thực hiện xúc tiến, quảng bá trên các nền tảng số, tăng cường phối hợp, hợp tác với các kênh truyền hình quốc tế CNN, BBC... để tạo hiệu quả lớn hơn trong việc thu hút khách quốc tế.

Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Sự phục hồi mạnh mẽ trong thời gian qua là cơ sở để du lịch Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đã, đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư các dự án du lịch, hạ tầng du lịch nhằm tạo đột phá về cải thiện môi trường du lịch; đồng thời đa dạng hóa sản phẩm du lịch chất lượng cao, đầu tư sản phẩm du lịch chiều sâu để có giá trị gia tăng lớn... Phấn đấu đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm phát triển du lịch của khu vực Bắc Trung bộ, có hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật đồng bộ, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh, phù hợp với mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu”.

Bài và ảnh: Hoài Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/du-lich-thanh-hoa-thu-hut-dong-khach-quoc-te-co-kha-nang-chi-tra-cao-230457.htm