Boeing chi 1,1 tỷ USD tránh bị truy tố vụ 737 MAX làm 346 người chết

Ngày 23/5, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) cho biết đã đạt thỏa thuận sơ bộ với Boeing về vụ điều tra 737 MAX khiến 346 người thiệt mạng, song nhận về làn sóng phẫn nộ từ gia đình nạn nhân.

 737 MAX là dòng máy bay Boeing gây ra 2 thảm kịch hàng không, khiến 346 người thiệt mạng. Ảnh: Reuters.

737 MAX là dòng máy bay Boeing gây ra 2 thảm kịch hàng không, khiến 346 người thiệt mạng. Ảnh: Reuters.

Theo DOJ, thỏa thuận sơ bộ cho phép Boeing nộp phạt và đầu tư tổng cộng hơn 1,1 tỷ USD để đổi lấy việc cơ quan này hủy bỏ cáo buộc hình sự gian lận trong quá trình xin cấp phép cho dòng máy bay 737 MAX.

Chi 1,1 tỷ USD để thoát mác "tội phạm hình sự"

Cụ thể, Boeing sẽ chi 487 triệu USD tiền phạt, trong đó một nửa được khấu trừ do hãng đã nộp trước đó và cam kết đầu tư 455 triệu USD vào các chương trình cải thiện chất lượng và an toàn. Ngoài ra, 445 triệu USD sẽ được phân bổ vào quỹ bồi thường cho gia đình các nạn nhân, theo WSJ.

Nếu được tòa án liên bang phê chuẩn, thỏa thuận này sẽ giúp Boeing tránh khỏi phiên tòa hình sự dự kiến diễn ra vào tháng 6 tại Fort Worth, Texas.

Cuộc điều tra bắt nguồn từ thỏa thuận hồi tháng 1/2021, trong đó DOJ cho phép Boeing tránh truy tố nếu tuân thủ điều kiện giám sát trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, đến tháng 5/2024, DOJ xác định Boeing đã vi phạm thỏa thuận do hàng loạt sự cố an toàn phát sinh sau đó.

 Mảnh vụn từ vụ rơi máy bay 737 MAX ở Ethiopian vào năm 2019. Ảnh: Reuters.

Mảnh vụn từ vụ rơi máy bay 737 MAX ở Ethiopian vào năm 2019. Ảnh: Reuters.

Hồi tháng 7/2024, Boeing từng đồng ý nhận tội âm mưu lừa dối Chính phủ Mỹ liên quan đến hệ thống kiểm soát bay MCAS trên dòng 737 MAX - nguyên nhân chính dẫn đến 2 thảm kịch năm 2018 và 2019.

Cụ thể, MCAS đã hoạt động sai do lỗi cảm biến, trong khi phi công không được huấn luyện đầy đủ để xử lý. Boeing bị cáo buộc cố tình che giấu thông tin và gây hiểu lầm cho FAA nhằm né tránh chi phí đào tạo lại, từ đó tiết kiệm hàng tỷ USD.

Tuy nhiên đến tháng 12, Thẩm phán liên bang Reed O’Connor đã bác bỏ thỏa thuận nhận tội này, buộc Bộ Tư pháp dưới chính quyền mới của Tổng thống Trump phải đưa ra phương án xử lý khác.

Trong thỏa thuận công bố hôm 23/5, Boeing sẽ thừa nhận hành vi âm mưu cản trở hoạt động của Nhóm đánh giá máy bay thuộc Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), nhưng không phải chính thức nhận tội trước tòa.

Hãng cũng được yêu cầu tiếp tục cải thiện chương trình tuân thủ và đạo đức doanh nghiệp, đồng thời thuê một chuyên gia tư vấn độc lập để giám sát và kiến nghị các biện pháp nâng cao hiệu quả.

Phát ngôn viên Bộ Tư pháp khẳng định: "Dù không điều gì có thể xoa dịu hoàn toàn mất mát của các gia đình, thỏa thuận này buộc Boeing phải chịu trách nhiệm tài chính, mang lại sự bù đắp và chấm dứt kéo dài, đồng thời tạo ảnh hưởng tích cực đến an toàn hàng không trong tương lai".

Làn sóng phẫn nộ

Thỏa thuận lập tức vấp phải phản ứng dữ dội từ gia đình nạn nhân và bị giới phê bình chỉ trích là thất bại trong việc thực thi công lý.

 Giám đốc Điều hành Boeing, ông Dennis Muilenburg, ra điều trần trước Quốc hội để trả lời các câu hỏi liên quan đến hai vụ rơi máy bay 737 Max khiến 346 người thiệt mạng. Ảnh: NYT.

Giám đốc Điều hành Boeing, ông Dennis Muilenburg, ra điều trần trước Quốc hội để trả lời các câu hỏi liên quan đến hai vụ rơi máy bay 737 Max khiến 346 người thiệt mạng. Ảnh: NYT.

Luật sư Paul Cassell, đại diện cho một nhóm thân nhân, nói đây là "thỏa thuận không truy tố chưa từng có tiền lệ, rõ ràng là sai trái trong bối cảnh một tội phạm doanh nghiệp gây chết người nghiêm trọng như Boeing". Ông cho biết sẽ gửi đơn yêu cầu tòa bác bỏ thỏa thuận.

Ông Javier de Luis, kỹ sư hàng không mất người thân trong vụ tai nạn ở Ethiopia, cũng bày tỏ phẫn nộ: "Với thỏa thuận này, DOJ đã từ bỏ mọi nỗ lực tìm kiếm công lý cho các nạn nhân của thảm họa 737 Max".

Giáo sư luật Carl Tobias (Đại học Richmond) đánh giá việc Boeing thừa nhận sai phạm nhưng không bị kết án là “một cái đánh nhẹ vào tay”. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal gọi thỏa thuận là "một sự bất công trắng trợn", nhấn mạnh Boeing "liên tục nói dối và giờ sẽ thoát khỏi việc bị xét xử”.

Tuy vậy, Bộ Tư pháp cho biết trong số hơn 110 gia đình nạn nhân được tham khảo ý kiến, phần lớn không phản đối hoặc mong muốn dàn xếp để khép lại vụ việc, vì mỗi lần đưa ra xét xử là một lần nỗi đau bị xới lại.

Boeing hiện chưa đưa ra bình luận chính thức. Trong khi đó, hãng vẫn đang bị giám sát chặt chẽ bởi Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) kể từ sau sự cố nghiêm trọng hồi tháng 1/2024 khi một chiếc 737 MAX 9 mất tấm ốp cửa giữa không trung do thiếu 4 bu lông quan trọng.

Sự cố này buộc FAA phải giới hạn sản lượng dòng máy bay này ở mức 38 chiếc/tháng và gián tiếp khiến DOJ mở lại vụ án cũ để đàm phán lại thỏa thuận.

Cẩm Tú

Nguồn Znews: https://znews.vn/boeing-chi-1-1-ty-usd-tranh-bi-truy-to-vu-737-max-lam-346-nguoi-chet-post1555488.html