Bối cảnh đặc biệt, nhiệm vụ cấp bách

Đầu tuần này, Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, người được giao trọng trách Tổ trưởng.

Tổ công tác được thành lập nhằm giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai nhiệm vụ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết Kỳ họp thứ Năm của Quốc hội (Nghị quyết số 101/2023/QH15).

Trong Nghị quyết này, Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát hệ thống văn bản, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công, hợp tác công tư, xã hội hóa các dịch vụ công, đầu tư, môi trường… Từ đó, phát hiện những quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập; những vấn đề vướng mắc trong các luật và văn bản dưới luật có liên quan. Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội kết quả rà soát tại Kỳ họp cuối năm nay và kiến nghị Quốc hội sửa đổi hoặc kịp thời sửa đổi theo thẩm quyền.

Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là việc làm thường xuyên của các cơ quan nhưng cũng luôn là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và công phu. Ví dụ, khi xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đã phải rà soát 112 bộ luật, luật có liên quan - tương ứng với đó là hàng nghìn điều luật! Kết quả cho thấy, 22 bộ luật, luật có vướng mắc, chồng chéo với các quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Giả sử kết quả rà soát này là đúng và đủ thì đây cũng chỉ là một bức tranh tĩnh, chụp được sự giao thoa của các luật liên quan đến nhà đất vào một khoảnh khắc. Còn trong thực tế, 112 đạo luật, cùng văn bản hướng dẫn, cách tiếp cận và diễn giải của công chức ngành và địa phương - đều có thể thay đổi theo thời gian, theo nhiệm kỳ của chính quyền!

Hơn thế nữa, như Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói trong phiên họp đầu tiên của Tổ công tác bàn về quy chế làm việc, nguyên tắc làm việc, phân công nhiệm vụ…, lần rà soát này diễn ra “trong bối cảnh đặc biệt và cấp bách với yêu cầu, đòi hỏi cao của tình hình kinh tế - xã hội và nhiệm vụ Quốc hội giao”. Có thể thấy, nền kinh tế sau đại dịch tiếp tục đối mặt với đủ mọi khó khăn từ bên trong, bên ngoài. Doanh nghiệp thì suy kiệt, tỷ lệ rời bỏ thị trường cao kỷ lục; kéo theo đó, đời sống người dân, người lao động lao đao… Thời gian rà soát cũng không có nhiều! Dự kiến tháng 9 tới, Chính phủ sẽ phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả rà soát và có thể đề xuất Quốc hội ban hành một luật sửa nhiều luật để kịp thời xử lý ngay các vướng mắc, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Trong bối cảnh như vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Tổ trưởng Tổ công tác, yêu cầu quá trình rà soát các văn bản cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm. Ở thời điểm hiện nay, chống suy thoái kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là ưu tiên hàng đầu. Ông cũng yêu cầu các thành viên của Tổ công tác làm việc không quản ngày đêm, bảo đảm chất lượng và tiến độ công việc.

Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Tổ công tác do lãnh đạo Quốc hội làm Tổ trưởng, phối hợp với Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc rà soát văn bản pháp luật tiếp tục thể hiện tinh thần Quốc hội chủ động đồng hành với Chính phủ giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước. Cách làm mới mẻ này cũng được kỳ vọng sẽ giúp đợt rà soát đạt được kết quả cao nhất. “Kết quả cao nhất” - đó là bên cạnh việc tìm ra sự vênh lệch và làm cho các quy định được thống nhất hài hòa, cần xây dựng được các nguyên tắc, các chính sách, để các đạo luật tuy luôn thay đổi song chúng cần "đồng tâm", như TS. Phạm Duy Nghĩa, Đại học Fulbright, từng góp ý. Đồng thời, cũng nên nghĩ đến việc xây dựng nguyên tắc xử lý sự vênh lệch giữa các đạo luật bởi dù có "bằng phẳng" trên giấy song sự vênh lệch rất có thể xuất hiện trong quá trình thực thi.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/boi-canh-dac-biet-nhiem-vu-cap-bach-i338712/