Bối cảnh mới đòi hỏi ngành Nông nghiệp cần phát triển theo hướng liên ngành

Ngành Nông nghiệp hiện đại mở ra những cơ hội việc làm mới cho sinh viên, nhiều quan điểm cũ về ngành học này đến nay đã không còn phù hợp.

Nông nghiệp không chỉ là nền tảng để cung cấp lương thực, thực phẩm cho xã hội, mà còn là động lực thúc đẩy sự đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững. Trong bối cảnh hiện nay, khi nhu cầu về lương thực thực phẩm tăng cao và xu hướng toàn cầu hóa, việc đào tạo nguồn nhân lực ngành Nông nghiệp để phát triển theo hướng hiện đại, bền vững càng trở thành yêu cầu cấp thiết.

Ngành Nông nghiệp hiện đại không còn dừng lại ở quan niệm “tam nông”

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên cho biết, cách đây khoảng 7 năm, số lượng sinh viên đăng ký học ngành Nông nghiệp bắt đầu giảm mạnh.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, với sự phát triển của nông nghiệp công nghệ cao và nhu cầu lớn về nguồn nhân lực, xu hướng đăng ký học ngành Nông nghiệp đã có dấu hiệu tăng trở lại. Song, số lượng sinh viên theo học vẫn chưa đáp ứng chỉ tiêu nhà trường đề ra.

Khó khăn lớn nhất trong tuyển sinh của nhà trường hiện nay là việc định hướng cho thế hệ trẻ nhận thức đúng về ngành Nông nghiệp hiện đại. Nhiều người vẫn cho rằng nông nghiệp gắn liền với hình ảnh lao động chân tay trong các mô hình truyền thống. Tuy nhiên, thực tế, người học ngành Nông nghiệp hiện nay có thể trở thành công nhân nông nghiệp, cán bộ nông nghiệp, làm việc trong môi trường hiện đại, ứng dụng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số.

Cụ thể, sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể trở thành cán bộ nghiên cứu hoặc giảng dạy tại trường đại học, học viện hoặc viện nghiên cứu. Bên cạnh đó, các bạn có cơ hội làm việc trong các doanh nghiệp nông nghiệp, từ công ty sản xuất, chế biến thực phẩm đến những doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và công nghệ nông nghiệp.

Đồng thời, nhiều cơ hội việc làm đang mở ra trong các tổ chức quốc tế, phi chính phủ hoạt động về nông nghiệp và phát triển bền vững, nơi sinh viên tốt nghiệp có thể tham gia các dự án lớn, liên quan đến ứng dụng công nghệ cao hoặc chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp hiện nay không còn bó hẹp trong mô hình sản xuất truyền thống mà đã chuyển mình mạnh mẽ, tạo ra các cơ hội việc làm gắn với công nghệ, đổi mới sáng tạo và quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu. Với nhu cầu nhân lực chất lượng cao ngày càng tăng ở cả trong nước và quốc tế, sinh viên tốt nghiệp ngành học này có thể tự tin tìm kiếm những công việc có thu nhập ổn định và nhiều triển vọng phát triển sự nghiệp.

 Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên. (Ảnh: NVCC)

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên. (Ảnh: NVCC)

Trong khi đó, Tiến sĩ Lương Thị Ánh Tuyết, Trưởng khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Phú Yên chia sẻ, ngành Nông nghiệp của nhà trường đang gặp nhiều thách thức trong công tác tuyển sinh. Nhà trường mở ngành Nông nghiệp từ năm 2023, song số lượng thí sinh đăng ký vẫn chưa đạt kỳ vọng.

Thực tế, không ít sinh viên chỉ chọn học ngành Nông nghiệp khi không còn lựa chọn nào khác. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào của trường mà còn tác động lớn đến đầu ra của sinh viên. Trong suy nghĩ của nhiều gia đình, ngành Nông nghiệp gắn liền với công việc vất vả và nhiều phụ huynh, sinh viên lo ngại rằng học xong khó tìm được việc làm.

Tuy nhiên, thực tế không có ngành nghề nào đạt được thành công nếu không có sự nỗ lực và kiên trì. Mỗi ngành nghề tồn tại đều mang giá trị riêng và đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Đối với ngành Nông nghiệp, nếu các bạn sở hữu kiến thức chuyên môn, cùng với đam mê và sự bền bỉ, chắc chắn giá trị lao động của các bạn sẽ được ghi nhận xứng đáng. Nếu các bạn yêu thiên nhiên, quan tâm đến môi trường, đam mê chăm sóc cây trồng, vật nuôi, và thích các hoạt động ngoài trời, thì ngành Nông nghiệp chính là lựa chọn hợp lý.

Trong bối cảnh đất nước không ngừng đổi mới, ngành Nông nghiệp đang chuyển mình mạnh mẽ với những ứng dụng công nghệ cao và mô hình sản xuất hiện đại. Vì vậy, sinh viên tốt nghiệp ngành này sẽ có nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn trong các lĩnh vực như nghiên cứu, quản lý, kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao, và phát triển nông nghiệp bền vững.

Một số công việc mà sinh viên tốt nghiệp ngành Nông nghiệp có thể đảm nhận có thể kể đến như: làm việc trong các cơ quan Nhà nước, ví dụ, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, các chi cục, trung tâm khuyến nông...; các công ty, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp; các trường, viện có đào tạo về nông nghiệp; tự khởi nghiệp hoặc tham gia các dự án phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp phát huy tài nguyên bản địa…

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng kiêm Giám đốc Phân hiệu Ninh Thuận - Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh cho hay, số lượng sinh viên đăng ký vào ngành Nông nghiệp có sự biến động theo thời gian.

Những năm gần đây, nhờ nhận thức ngày càng cao về vai trò chiến lược của ngành trong phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh lương thực, lượng sinh viên quan tâm đến ngành học này đã tăng lên. Tuy nhiên, nhà trường vẫn cần thêm nhiều nỗ lực để thay đổi quan niệm học Nông nghiệp chỉ giới hạn trong lĩnh vực "tam nông" (nông nghiệp, nông thôn, nông dân).

Trên thực tế, ngành Nông nghiệp mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp đa dạng, từ nghiên cứu khoa học, quản lý, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đến các dịch vụ và ứng dụng nông nghiệp hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững và chuyển đổi số.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nông nghiệp không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn là một yếu tố quan trọng trong ngoại giao kinh tế, phát triển bền vững và bảo vệ văn hóa bản địa.

Học nông nghiệp không chỉ là làm nông, mà còn là một hệ sinh thái rộng lớn, bao gồm khoa học, công nghệ, kinh doanh, logistics và cả sự sáng tạo đổi mới trong cách tiếp cận.

Ngành Nông nghiệp hiện đại đang mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp đa dạng, gắn liền với những bước tiến vượt bậc trong khoa học và công nghệ. Học ngành Nông nghiệp có thể trở thành các nhà nghiên cứu nông nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và kỹ thuật di truyền để tạo ra giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, khả năng chống chịu tốt trước biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, công nghệ xanh đang thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp thông minh nhằm bảo vệ môi trường. Những hướng đi này cho thấy, ngành Nông nghiệp không chỉ là sản xuất mà còn là sự kết hợp giữa khoa học, kinh doanh và công nghệ hiện đại.

 Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng kiêm Giám đốc Phân hiệu Ninh Thuận - Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng kiêm Giám đốc Phân hiệu Ninh Thuận - Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Những yêu cầu với sinh viên ngành Nông nghiệp hiện đại

Bà Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Kỳ Thảo (Khu Nông nghiệp công nghệ cao thôn Núi, xã Đình Trì, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang - Doanh nghiệp trồng và nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm từ sâm Nam núi Dành) cho rằng: “Đất nước ta được thiên nhiên ưu ái với khí hậu nhiệt đới gió mùa, tạo nên sự đa dạng về vùng nguyên liệu hoa quả theo mùa. Ở bất kỳ vùng miền nào cũng có những loại trái cây đặc sản phong phú, tạo nên tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp thực phẩm. Mùa nào thức ấy, nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng trên khắp đất nước luôn dồi dào và sẵn có.

Tuy nhiên, nếu không có sự tham gia của những người có kiến thức và trình độ chuyên môn như cử nhân Nông nghiệp hay kỹ sư Nông nghiệp thì nguồn tài nguyên này sẽ bị lãng phí rất lớn. Nguồn lao động chất lượng cao ngành Nông nghiệp chính là những nhân tố quan trọng để nâng cao giá trị, bảo quản, chế biến và đưa sản phẩm nông sản chất lượng đến tay người tiêu dùng một cách hiệu quả và bền vững.

Tại hợp tác xã của tôi, những người có trình độ, chuyên môn cao trong ngành Nông nghiệp không chỉ là người cùng chúng tôi phát triển ý tưởng và công thức cho các sản phẩm mới mà còn đảm nhận vai trò thiết kế, tư vấn về quy trình máy móc, cũng như giám sát chặt chẽ các tiêu chuẩn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong bối cảnh kinh doanh nông sản đang ngày càng cạnh tranh gay gắt, việc đảm bảo những yếu tố này không chỉ giúp doanh nghiệp tồn tại mà còn tạo dựng uy tín và thương hiệu bền vững trên thị trường”.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Phượng, doanh nghiệp luôn đánh giá cao năng lực của sinh viên tốt nghiệp ngành Nông nghiệp và các ngành liên quan. Những sinh viên này không chỉ mang trong mình nhiệt huyết và đam mê đặc biệt đối với nông sản Việt, mà còn nhanh nhạy trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ. Nếu được làm việc trong một môi trường thuận lợi và phù hợp, các bạn sẽ phát huy tối đa tiềm năng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành.

Tuy nhiên, điều mà sinh viên mới ra trường còn thiếu nhất chính là cơ hội tiếp cận trực tiếp với máy móc công nghệ hiện đại và trải nghiệm thực tế tại các vựa nông sản. Chỉ khi được trực tiếp quan sát và làm việc, các em mới có thể cảm nhận sâu sắc nhu cầu thực tế của người nông dân cũng như thấu hiểu những trăn trở của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản. Từ đó, các em sẽ có được những ý tưởng đột phá để góp phần đưa nông sản Việt Nam vươn tầm thế giới.

Bên cạnh đó, sinh viên ngành Nông nghiệp cần rèn luyện và trải nghiệm thực tế rất nhiều trong quá trình học, bởi máy móc và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp không ngừng đổi mới và ngày càng hiện đại. Chỉ khi đó, các bạn mới có thể đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nông nghiệp công nghệ cao và đáp ứng nhu cầu thực tế từ các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng tài chính để sở hữu đầy đủ các thiết bị cần thiết, và nhiều khi họ phải sử dụng dịch vụ gia công. Vì vậy, để nhanh chóng bắt nhịp và làm việc hiệu quả tại một doanh nghiệp cụ thể, các bạn cần hiểu rõ tính chất thời vụ đặc thù của từng loại nông sản theo vùng miền.

 Bà Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Kỳ Thảo (Khu Nông nghiệp công nghệ cao thôn Núi, xã Đình Trì, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). (Ảnh NVCC)

Bà Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Kỳ Thảo (Khu Nông nghiệp công nghệ cao thôn Núi, xã Đình Trì, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). (Ảnh NVCC)

Để đáp ứng chuẩn đầu ra của nhà trường và yêu cầu ngày càng cao từ các doanh nghiệp, Trưởng khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Phú Yên cho rằng, sinh viên ngành Nông nghiệp bên cạnh nắm vững kiến thức lý thuyết trên giảng đường còn phải rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp trong môi trường thực hành và thực tập tại các cơ sở sản xuất. Việc tiếp xúc thực tế giúp sinh viên hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất, công nghệ ứng dụng, và nhu cầu thực tế của ngành.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp đã đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Điều này mở ra cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn trong tuyển dụng. Các doanh nghiệp không chỉ tìm kiếm những cử nhân có nền tảng kiến thức tốt, mà còn cần những người thành thạo ngoại ngữ và sở hữu nhiều kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, và giải quyết vấn đề.

Đây chính là điều kiện đủ để sinh viên tốt nghiệp ngành Nông nghiệp không chỉ đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng mà còn có cơ hội nhận mức lương hấp dẫn và con đường thăng tiến rộng mở trong sự nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, việc đào tạo nhân lực ngành Nông nghiệp cần được đổi mới mạnh mẽ nhằm đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp hiện đại, thông minh và bền vững.

 Sinh viên Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Phú Yên thực tập tại doanh nghiệp. (Ảnh NTCC)

Sinh viên Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Phú Yên thực tập tại doanh nghiệp. (Ảnh NTCC)

Cơ sở giáo dục đổi mới chương trình, đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên cho biết, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động cũng như xu hướng phát triển của thời đại công nghệ, nhà trường đã thực hiện nhiều thay đổi quan trọng trong chương trình đào tạo. Một trong những cải tiến lớn là việc tích hợp công nghệ vào tất cả các ngành học, đặc biệt là trong từng môn học, học phần.

Không còn đơn thuần chỉ là kiến thức về nông nghiệp, sinh viên học ngành học này hiện nay được trang bị các công nghệ tiên tiến như tự động hóa, công nghệ thông tin... Bên cạnh đó, nhà trường cũng chú trọng tích hợp kiến thức về thị trường và marketing vào các môn học. Đây là bước đi quan trọng giúp sinh viên nâng cao năng lực và khả năng thích ứng trong một thế giới ngày càng thay đổi nhanh chóng.

Hiện nay, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên đang hợp tác với hàng trăm doanh nghiệp và nhà tuyển dụng, tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và thị trường lao động. Các doanh nghiệp không chỉ tham gia vào quá trình đào tạo mà còn tích cực góp phần vào việc tổ chức các hội chợ việc làm hàng năm từ 1-2 lần.

Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Đình Lý cho hay, trong tương lai, Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh sẽ chú trọng phát triển ngành Nông nghiệp theo xu hướng thị trường và nhu cầu xã hội. Để nâng cao chất lượng đào tạo, trường sẽ thực hiện khảo sát nhu cầu nhân lực và thị trường lao động trong và ngoài nước, từ đó xác định các ngành học tiềm năng, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn.

Đồng thời, trường phát triển các ngành học liên ngành, kết hợp giữa nông nghiệp và các lĩnh vực như công nghệ thông tin, kinh tế số, khoa học dữ liệu và quản lý chuỗi cung ứng, nhằm đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức toàn diện và kỹ năng chuyên sâu.

Nhà trường đang hướng đến mục tiêu phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động. Trường đã tích cực chuyển đổi số trong giáo dục, tích hợp công nghệ tiên tiến như AI, IoT và Big Data vào chương trình đào tạo. Cùng với đó, các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về nông nghiệp bền vững và công nghệ sinh học cũng được thành lập để tạo ra môi trường học tập và nghiên cứu tốt nhất.

Không chỉ chú trọng đến đào tạo chuyên môn, nhà trường còn kết hợp với doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tế, giúp sinh viên có cơ hội thực tập và tìm kiếm việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở vật chất hiện đại như mô hình nông trại thông minh và nâng cấp các phòng thí nghiệm cũng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, mang lại trải nghiệm học tập thực tế cho sinh viên.

Hồng Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/boi-canh-moi-doi-hoi-nganh-nong-nghiep-can-phat-trien-theo-huong-lien-nganh-post248634.gd