Bởi chính mình và cho chính mình

Nhiều câu thơ, nhiều bài thơ của Huỳnh Văn Quốc giản dị như một người ngồi xuống đâu đó và kể lại những gì đã đi qua trong cuộc đời mình. Chính vậy mà sự chân thành luôn dâng lên mạnh mẽ và tạo ra một vùng tin cậy cho người đọc.

Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc. Ảnh: YÊN LAN

Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc. Ảnh: YÊN LAN

Tôi đọc tập thơ Nhớ sông (NXB Hội Nhà văn - 2022) của Huỳnh Văn Quốc lần thứ nhất ở nơi làm việc. Cảm nhận lần đọc này thực sự không rõ ràng. Và lần thứ hai tôi đọc ở một chốn xa bằng một chiếc laptop nhỏ. Chỉ lần đọc thứ hai mới làm tôi nhận ra những câu thơ bình dị nhưng đã làm xao động lòng tôi. Bởi lần đọc thứ hai ấy tôi sống xa nhà, xa những gì thân yêu… và mới bắt đầu nhận ra những vẻ đẹp ở nơi đó mà ngày ngày tôi vẫn đi qua. Bởi những gì vang lên trong những câu thơ của Huỳnh Văn Quốc giống như tiếng vang của máu chảy: trung thực và đẹp đẽ.

Bài thơ mở đầu tập thơ thực sự ấn tượng. Một tứ thơ độc đáo. Một lối viết hiện đại. Bài thơ như một văn bản xác lập giá của cái đẹp:

Ai lớn lên cũng có thể chọn lại cho mình nhiều thứ

…Nhưng chọn làm sao ánh trăng ánh mặt trời hay vì sao chiếu mệnh

Chọn làm sao tiếng mẹ ru nôi?

Có hai câu thơ lục bát mà Huỳnh Văn Quốc viết về mẹ làm tôi thao thức nhiều đêm:

Mẹ xa thăm thẳm miền xa

Chợt gần thao thức mái nhà chiêm bao…

Ở đây, nghệ thuật của sự sáng tạo cho thấy quyền lực của nó. Nó làm cho những gì tưởng xa xôi, tưởng đã mất lại trở về nguyên vẹn và hiện thực hơn bao giờ hết. Tôi cũng thường viết về người mẹ đã mất của mình. Nhưng càng viết càng thấy mẹ ở xa mình. Nhưng khi đọc câu thơ: Chợt gần thao thức mái nhà chiêm bao… thì tôi thực sự thấy mẹ ở gần mình hơn bao giờ hết. Nếu thơ ca hay nghệ thuật không tìm được cách nói có tính kỳ diệu của nó thì nó không có một chút quyền lực gì với bạn đọc. Bởi vậy mà thơ ca nói riêng và nghệ thuật nói chung luôn có những người tìm đến, đó là bạn đọc. Bởi họ tìm thấy ở đó, trong những câu thơ đôi khi giản dị như một hơi thở, như một lời nói thường nhật, những gì họ đang đi tìm hay đang đổ vỡ bên trong con người họ.

Tập thơ Nhớ sông của Huỳnh Văn Quốc. Ảnh: YÊN LAN

Tập thơ Nhớ sông của Huỳnh Văn Quốc. Ảnh: YÊN LAN

Một đặc điểm rất quan trọng trong thơ Huỳnh Văn Quốc là sự giản dị mang tính hiện đại của ngôn từ, của cấu trúc nhưng mỗi bài thơ luôn vươn tới tính triết lý của nó. Nếu nhà thơ không gọi tên được những điều thiêng liêng, những vẻ đẹp ẩn giấu trong một đời sống thường nhật thì những gì nhà thơ đó viết ra chỉ là sự mô phỏng một cách vô nghĩa và là sự thất bại của nhà thơ đó trước ngôn từ. Huỳnh Văn Quốc là người thoát được sự mô phỏng vô nghĩa và sự thất bại trong sáng tạo ngôn từ.

Sóng bạc, biển xanh, khoang cá bạc

Gặp ngày bão tố nổi cuồng phong

Chưa thấy người về trên bến cũ

Sóng lại về đây quặn nhói lòng.

Xin hãy đọc khổ thơ trên. Không có gì đặc biệt trong hình ảnh, ngôn từ. Nhưng nó đưa tôi trở về đúng bờ biển ấy, đúng một ngày bão tố ấy, đúng nỗi đợi chờ của những người đang đợi chờ người thân trở về từ biển và đúng lúc những ngọn sóng đau thương đang dội vào bờ. Đúng không gian ấy và đúng thời gian ấy, lòng tôi nhận ra tất cả. Và tất cả những gì nhà thơ muốn nói đã dồn vào câu thơ cuối cùng. Ngọn sóng trong thơ dội lên và ngọn sóng trong lòng cũng dội lên. Nếu nói về thành công của một bài thơ thì đó chính là một thành công. Ở đây, nghệ thuật thơ ca đi một lối khác. Nó không tạo ra những dị biệt để lôi cuốn sự chú ý của người đọc. Mà nó tạo ra một không gian và một thời gian trọn vẹn để cuốn người đọc vào bên trong sự kiện của nó.

Nhiều câu thơ, nhiều bài thơ của Huỳnh Văn Quốc giản dị như một người ngồi xuống đâu đó và kể lại những gì đã đi qua trong cuộc đời mình. Chính vậy mà sự chân thành luôn dâng lên mạnh mẽ và tạo ra một vùng tin cậy cho người đọc. Đó là hơi thở của nhà thơ và tiếng dội vang của trái tim nhà thơ. Và điều khởi đầu quan trọng nhất của mọi nhà thơ là viết những câu thơ bởi chính mình và cho chính mình. Và nhà thơ Huỳnh Văn Quốc đã viết những câu thơ như thế.

Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc sinh năm 1970, quê ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa), hiện sống tại TP Tuy Hòa. Anh có một thời gian dài làm Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Phú Yên. Năm 2015, anh được bầu giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên. Năm 2016, anh được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Phú Yên.

Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc đã xuất bản các tập thơ: Vòng tay mẹ (1995), Hát với luống cày (2006) và Nhớ sông (2022), tập truyện dài Tiếng vọng ngày xanh (2001) và tập truyện ngắn Người mẫu trần gian (2003).

Nhà thơ NGUYỄN QUANG THIỀU

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/426/286023/boi-chinh-minh-va-cho-chinh-minh.html