Bồi dưỡng giáo viên Tiếng Anh: Nhiều thách thức
Trong Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới, môn tiếng Anh đòi hỏi giáo viên (GV) phải đạt chuẩn năng lực tiếng Anh và sư phạm phù hợp với cấp học theo quy định của Bộ GD&ĐT. Bồi dưỡng GV tiếng Anh đạt chuẩn là điều cấp thiết hiện nay.
Chưa đáp ứng trình độ
Môn tiếng Anh trong Chương trình GDPT mới sẽ kế thừa và tích hợp giáo dục tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, kết quả dạy và học tiếng Anh vẫn chưa được như mong đợi, nhiều thách thức không nhỏ đối với công tác bồi dưỡng GV tiếng Anh, chủ yếu ở 2 cấp THCS và THPT.
Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại Trung tâm Anh ngữ Apollo Việt Nam và Đại học Anh quốc Việt Nam Nguyễn Kim Dung cho biết: Trong nhiều năm qua, Chính phủ, Bộ GD&ĐT và các nhà trường quan tâm tới việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ. Dù vậy, nhiều GV tiếng Anh chưa đạt chuẩn theo khung năng lực ngôn ngữ chung châu Âu và khung năng lực 6 bậc của Việt Nam.Đặc biệt, GV dạy ngoại ngữ chưa đủ để đáp ứng về số lượng và trình độ theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Hơn nữa, việc đào tạo nâng chuẩn trình độ GV chưa đưa thành chính sách theo cơ chế bắt buộc số giờ đào tạo phát triển chuyên môn như điều kiện nghề.
Năng lực sư phạm là một sản phẩm đặc thù của mỗi GV, luôn chịu tác động của yếu tố kinh tế xã hội và chỉ phát triển được khi GV có nhu cầu tự hoàn thiện, say mê nghề nghiệp. Giám đốc Quốc gia Lào - Việt Nam, đại diện Trung tâm Cambridge Phạm Hoàng Uyên khẳng định, mục tiêu đầu ra của khóa bồi dưỡng không thực tế, khó có thể đạt được do đánh giá sai đầu vào GV, không chú trọng nâng cao năng lực tiếng Anh của GV mà đặt nặng bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng sư phạm…
Còn Giám đốc Language Link Việt Nam Gavan Iacono cho rằng, Việt Nam đang thiếu kế hoạch đào tạo mang tính chiến lược, dài hơi, thiếu khâu đánh giá, kiểm tra, bồi dưỡng sau đào tạo. GV tham gia đào tạo còn thiếu sự hỗ trợ cần thiết của các nhà trường, đơn vị quản lý; còn hệ thống giáo dục quá chú trọng vào kết quả thi, luyện thi.
Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 đã ban hành Khung năng lực GV tiếng Anh có thể sử dụng làm cơ sở cho việc đào tạo và bồi dưỡng GV tiếng Anh. Theo đó, năng lực sư phạm của GV tiếng Anh được hệ thống và mô tả đầy đủ.
Thực tế có thể thấy, việc nâng cao chất lượng và số lượng GV đạt chuẩn tại các địa phương và tỷ lệ GV đạt chuẩn năng lực tiếng Anh còn chưa cao. Vì vậy, để khuyến khích và hỗ trợ GV tự chủ trong việc thường xuyên bồi dưỡng, cần thiết phải có các giải pháp khuyến khích bằng cơ chế, chính sách, tổ chức các khóa học, các khóa tập huấn giúp GV tự xây dựng năng lực tự chủ bồi dưỡng.
Đào tạo có tính chiến lược
Để đào tạo GV tiếng Anh đạt hiệu quả trước những khó khăn, thách thức hiện nay, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Xuân Long cho rằng, các trường cần đầu tư kinh phí và đổi mới nội dung, hình thức bồi dưỡng; Kết hợp mô hình bồi dưỡng trực tiếp và trực tuyến, gia tăng thời lượng thực hành, thực nghiệm và thực địa với nội dung bồi dưỡng cần liên tục cập nhật và đổi mới. Để cải tiến các quy định, chính sách, để nâng tầm vị thế của tiếng Anh trong giáo dục phổ thông, theo ông Gavan Iacono, các trường, đơn vị đào tạo nên xây dựng kế hoạch đào tạo GV lâu dài và có tính chiến lược. Ngoài ra, hệ thống giáo dục không chỉ dựa vào các kỳ thi mà nên áp dụng việc chấm điểm học sinh theo quá trình liên tục. Khuyến khích tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục cả theo chiều rộng và chiều sâu. Áp dụng các hình thức đào tạo tiên tiến, linh hoạt tạo điều kiện cho GV có thể tham gia đào tạo dễ dàng chủ động về thời gian, chi phí.
Một GV THPT tại huyện Thanh Trì (Hà Nội) cũng đề xuất tổ chức các khóa học bồi dưỡng theo hình thức tập trung, tạo mối liên kết giữa người dạy và GV. Từ đây, người dạy và GV có thể điều chỉnh được chiến lược cũng như trọng tâm dạy và học. Khóa bồi dưỡng GV cần dựa trên đánh giá đầu vào và có lộ trình lâu dài, lập kế hoạch chương trình bồi dưỡng và đảm bảo dữ liệu được thu thập đầy đủ để việc đánh giá khách quan. Hơn hết, kế hoạch bồi dưỡng cần có sự đánh giá sau khóa học thông qua các buổi hướng dẫn, thảo luận nhóm…
Theo nhiều chuyên gia, cần xây dựng các chính sách cụ thể theo từng thời kỳ phù hợp thực tế phát triển, nâng chuẩn năng lực ngoại ngữ cho GV bằng ngân sách đào tạo kèm theo các sửa đổi về chính sách trợ cấp đào tạo cho thời gian đi học. Theo đó, cần có các chính sách bắt buộc về số giờ đào tạo chuyên môn hàng năm.q
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/boi-duong-giao-vien-tieng-anh-nhieu-thach-thuc-356709.html