Bồi dưỡng năng lực đội ngũ giáo viên
Trước thềm năm học 2024 - 2025, các địa phương đã triển khai tập huấn sách giáo khoa (SGK) mới lớp 5, lớp 9, lớp 12 nhằm giúp giáo viên (GV) hiểu rõ hơn về chương trình, SGK mới, từ đó đảm bảo dạy học hiệu quả.
Nhà trường, giáo viên chủ động
Năm học 2024 - 2025, năm học đầu tiên chương trình GDPT 2018 được áp dụng với học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 12 trên cả nước. Từ tháng 1/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã phê duyệt danh mục SGK mới của các khối lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Căn cứ danh mục này, các địa phương tổ chức cho cán bộ, GV các nhà trường tìm hiểu và lựa chọn sách từng môn cho phù hợp với điều kiện thực tế từng trường học, địa bàn.
Đến thời điểm này, các nhà trường đã hoàn thành lựa chọn bộ sách phù hợp với điều kiện dạy, học và bảo đảm chất lượng. Trong thời gian nghỉ hè, công tác bồi dưỡng tập huấn SGK được chú trọng nhằm giúp thầy cô tự tin, sử dụng hiệu quả SGK trong dạy học.
Ngày 22/7, Sở GDĐT tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức buổi tập huấn SGK lớp 5, lớp 9, lớp 12 năm học 2024 - 2025 theo hình thức trực tuyến và trực tiếp, trong đó chủ yếu là tập huấn trực tiếp tại TP Huế. Hơn 11.000 GV trên địa bàn được phân công giảng dạy các khối lớp này đã tham gia. Trước đó, mỗi GV đã có thời gian tự bồi dưỡng, nghiên cứu chương trình, SGK, tài liệu, băng hình giới thiệu môn học, băng hình tiết dạy minh họa và các tài nguyên được nhà xuất bản cung cấp. Đồng thời, thầy cô cũng có nhiều thuận lợi do được kế thừa tinh thần tập huấn, đổi mới về chương trình ở các khối lớp dưới nên với việc tham gia lần này đều chủ động học tập, phát triển năng lực thông qua các bộ sách đã được phê duyệt, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện tốt chương trình GDPT 2018, góp phần nâng cao chất lượng GDPT trên toàn quốc.
Tại Hà Nội, việc bồi dưỡng GV đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT 2018 được triển khai chung cho tất cả nhà giáo các bậc học. Trong đó đối với lớp 9, thời gian tập huấn bắt đầu từ ngày 15 - 19/7 với 12 môn học. Đại diện Trường THCS Giảng Võ 2 (quận Ba Đình, Hà Nội) thông tin, để chuẩn bị cho công tác tập huấn bồi dưỡng, nhà trường đã bố trí các phòng tập huấn theo bộ môn, tiến hành kiểm tra đường truyền mạng, âm thanh cũng như các cơ sở vật chất khác, phân công GV phụ trách kỹ thuật để các buổi tập huấn được diễn ra tốt nhất.
Phòng GDĐT huyện Thanh Trì thông tin, trong 2 ngày 23 - 24/7 đã tổ chức tập huấn cho các cán bộ quản lý, GV dạy môn Khoa học tự nhiên trên địa bàn huyện với chuyên đề “Khai thác chuyên sâu có hiệu quả việc sử dụng SGK lớp 9 môn Khoa học tự nhiên”. Nội dung tập huấn gồm 3 phần Vật lý, Hóa học, Sinh học với sự hướng dẫn của các tác giả SGK. Thầy cô đã được giới thiệu về các bước thiết kế kế hoạch bài dạy, rubic đánh giá các hoạt động trong kế hoạch bài dạy, phân tích một số kế hoạch bài dạy, một số điểm khác biệt giữa môn Khoa học tự nhiên 9 và môn Vật lý, Hóa học, Sinh học 9, những phần mềm, công cụ AI... Qua đó, giúp GV chinh phục được nội dung của chương trình Khoa học tự nhiên 9 cũng như việc xây dựng kế hoạch dạy học, kế hoạch bài dạy, các phương pháp soạn giảng, kiểm tra đánh giá… nhằm phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.
Đổi mới kiểm tra, đánh giá
Chia sẻ về công tác tập huấn, đại diện Trường THCS Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, thông qua buổi tập huấn, GV hiểu rõ hơn về chương trình, mục tiêu cần đạt, nắm được cấu trúc, nội dung SGK 9 đã được phê duyệt; từ đó giúp các thầy cô có sự chuẩn bị chu đáo về tâm lý cũng như phương pháp giảng dạy tốt nhất cho mình để học sinh tiếp cận được bài học. “Mục tiêu mà nhà trường đặt ra đối với GV dạy khối 9 trong năm học mới là làm sao hướng dẫn các con nắm bắt được kiến thức trọng tâm của năm học, phát huy năng lực phẩm chất và sự sáng tạo của cá nhân. Cập nhật sự đổi mới trong cách ra đề trong kỳ thi vào 10 năm học 2025 - 2026 để có chiến lược ôn tập phù hợp cho học sinh” - đại diện nhà trường thông tin.
Với đặc trưng mỗi môn học khác nhau, việc tập huấn có những yêu cầu riêng nhưng có một đặc điểm chung đó là đòi hỏi sự chủ động của mỗi GV. Bởi chương trình mới có nhiều bộ SGK, dù trường học chọn bộ sách nào để dạy thì GV cũng cần đọc và nghiên cứu, so sánh với kiến thức được dạy trong chương trình mới và cũ để mở rộng tư liệu, làm phong phú thêm bài giảng. Nhiều câu hỏi, các vấn đề còn băn khoăn đã được đội ngũ GV đề cập trong các buổi tập huấn để được giải đáp bởi các tác giả SGK.
Một trong những đề xuất được nhiều GV chia sẻ đó là việc đổi mới chương trình, SGK phải đi cùng với việc đổi mới kiểm tra, đánh giá. Trong đó, không chỉ các bài kiểm tra trên lớp mà còn cả các kỳ thi quan trọng như thi chuyển cấp vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT… Cô Lê Thị Tuyết (Trường THCS Trần Phú, Phủ Lý, Hà Nam) đề xuất, trong quá trình tập huấn và sau này là giảng dạy, việc soạn đề kiểm tra đánh giá sao cho phù hợp với chương trình mới cần tiếp tục được quan tâm. Nếu có thể xây dựng kho đề kiểm tra dùng chung thì sẽ thuận lợi cho GV, tạo điều kiện cho học sinh được tiếp cận các đề thi khác nhau trên khắp các vùng miền, từ đó nâng chất lượng dạy học.
“Ngành giáo dục cần công bố sớm về cấu trúc đề kiểm tra đánh giá với các kỳ thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT… để học sinh tiếp cận và làm quen với hình thức mới vì đây là các kỳ thi quan trọng” - cô Tuyết kiến nghị.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/boi-duong-nang-luc-doi-ngu-giao-vien-10286545.html