Bồi dưỡng nghiệp vụ Luật Đấu thầu cho cán bộ, công chức của Văn phòng Quốc hội
Sáng 27.6, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội - 22 Hùng Vương, Hà Nội, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức khai giảng Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Luật Đấu thầu cho cán bộ, công chức của Văn phòng Quốc hội.
Phát biểu khai mạc Lớp bồi dưỡng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, Văn phòng Quốc hội Trịnh Ngọc Đức nêu rõ, Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Luật Đấu thầu nhằm cập nhật, nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác đấu thầu, quản lý dự án đáp ứng yêu cầu công việc.
Để lớp bồi dưỡng đạt hiệu quả, thành công, Văn phòng Quốc hội đã mời các giảng viên là những người có kinh nghiệm của các vụ, đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đề nghị, các đại biểu tham gia lớp bồi dưỡng tận dụng thời gian, tích cực nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, tiếp thu những kiến thức thiết thực để áp dụng trong thực tế công việc được giao.
Trong chương trình Lớp bồi dưỡng, các học viên được phổ biến, truyền đạt 2 chuyên đề, gồm: Những quan điểm mới quan trọng của Luật Đấu thầu và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; một số vấn đề lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của Văn phòng Quốc hội.
Luật Đấu thầu được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Năm, có hiệu lực từ ngày 1.1.2024, với 10 chương, 96 điều.
Luật đã bổ sung quy định nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, ngoài doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật đã bổ sung đối tượng doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Luật cũng xác định rõ phạm điều chỉnh đối với hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, bao gồm: dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai; dự án đầu tư thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực.
Ngoài ra, Luật đã bổ sung một số quy định nhằm nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình đối với hoạt động mua sắm sử dụng nguồn vốn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước…
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đấu thầu gồm: Đưa, nhận, môi giới hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây ảnh hưởng, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dưới mọi hình thức; Thông thầu; Gian lận...
Về một số nội dung mà các cơ quan Trung ương cần lưu ý trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau, các giảng viên nêu rõ, việc xây dựng phương án phân bổ kế hoạch vốn của giai đoạn sau cần phù hợp với định hướng đầu tư của ngành, lĩnh vực, Bộ, cơ quan trung ương trong giai đoạn. Bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên: Dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; vốn đối ứng dự án ODA; vốn Nhà nước tham gia dự án PPP; dự án chuyển tiếp theo tiến độ được phê duyệt; dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch; dự án khởi công mới.
Bên cạnh đó, việc bố trí vốn có thứ tự ưu tiên, không dàn trải, sát với khả năng thực hiện và giải ngân của giai đoạn. Việc xây dựng phương án phân bổ vốn của giai đoạn sau cũng cần tính đến cơ cấu vốn theo từng ngành, lĩnh vực của Bộ, cơ quan trung ương…