Bồi hoàn sòng phẳng
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản hướng dẫn triển khai đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ bằng nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 và 2022 theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18-1-2019 của Thủ tướng Chính phủ (đề án 89).
Để hoàn thành mục tiêu đề án 89, trong 10 năm tới cần đào tạo 7.300 giảng viên có trình độ tiến sĩ và trên 300 giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ...
Đây là một chính sách quan trọng, tạo cơ hội học tập nâng cao trình độ, năng lực của giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục tại các cơ sở giáo dục đại học. Theo đại diện các trường đại học, cần áp dụng một quy trình tuyển chọn cho các trường để bảo đảm công bằng. Đặc biệt, cần có hình thức quản lý vấn đề bồi hoàn hiệu quả, với tính ràng buộc, cam kết cao hơn đối với học viên, tránh gây khó cho các trường.
Lo ngại của các trường là có cơ sở và đặt vấn đề bồi hoàn sòng phẳng là chính đáng vì thực tế đã từng xảy ra những trường hợp né tránh bồi hoàn. Nhiều người học không hoàn thành chương trình học hoặc hoàn thành chương trình học nhưng không trở về phục vụ cho cơ sở giáo dục hay đơn vị cử mình đi học, không làm việc đủ thời gian cam kết cho đơn vị.
Theo các quy định của pháp luật lao động và các quy định cụ thể về việc cử người đi đào tạo, việc bồi hoàn nếu không thực hiện đúng hợp đồng đào tạo là chuyện đương nhiên, không thể né tránh. Tuy nhiên, thực tế nhiều trường hợp vi phạm cứ né tránh chuyện bồi hoàn, nhất là những người vi phạm là người thân của những người nắm giữ những vị trí quan trọng tại địa phương. Điển hình như con của 4 cán bộ lãnh đạo và nguyên lãnh đạo cơ quan cấp tỉnh của tỉnh Quảng Ngãi, đến cuối tháng 4-2021 vẫn chưa bồi hoàn phí đào tạo gần 10 tỉ đồng sau khi được đi đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài nhưng không quay về tỉnh làm việc như cam kết, dù giám đốc Sở Nội vụ của tỉnh này đã 2 lần gửi văn bản đôn đốc. Giám đốc sở này cũng cho biết nếu cuối năm nay 4 người này không trả đủ số tiền theo quy định thì sở sẽ xem xét, tham mưu UBND tỉnh khởi kiện.
Tất nhiên những trường hợp trên sẽ không được ưu ái lựa chọn cho đi học và không được "du di" khi cứ lần khần, trì hoãn việc bồi hoàn nếu không phải là người nhà của cán bộ lãnh đạo. Nhưng "quân pháp bất vị thân", mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và trong quan hệ xã hội, quan hệ dân sự, đặt bút ký kết một hợp đồng, một cam kết thì phải tuân thủ, làm không đúng thì phải bồi thường theo hợp đồng. Trong khi đó, vẫn còn không ít thanh niên có những tấm bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng kiếm không ra chỗ làm, nơi nào cũng lắc đầu báo đã đủ người và dành chỗ cho con người quen gửi gắm.
Được làm trong những cơ quan người khác mơ ước, được cho đi học lấy bằng cấp cao hơn, học xong không quay về phục vụ. Dù mỗi người đều nêu lý do riêng song đều là vi phạm hợp đồng và làm sai thì phải bồi hoàn, không thể dây dưa, né tránh. Không ai ưu ái mãi với người không biết điều, "cố đấm ăn xôi".
Đó cũng là bài học cho các trường và các địa phương trong thực hiện chủ trương đào tạo nhân tài, nâng chất lượng nguồn nhân lực.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/boi-hoan-song-phang-20210514231432654.htm